- Trang chủ
- Tin tức - Sự kiện
- Thị trường Hoa Kỳ
- Danh bạ doanh nghiệp
- Hội chợ, triển lãm
- Giới thiệu Thương vụ
- Liên hệ
- Địa chỉ hữu ích
- Từ khóa tìm kiếm
Một số luật hạn chế nhập khẩu khác
2/4/2008 3:59:00 AMHiện nay, quyền hạn chế nhập khẩu nông sản và hàng dệt vào Hoa Kỳ được thực hiện theo qui định của Luật Thực hiện các Hiệp định Vòng Uruguay.
Hạn chế nhập khẩu nông sản và hàng dệt
Mục 204 của Luật Nông nghiệp Hoa Kỳ năm 1956, như đã được sửa đổi ủy quyền cho Tổng thống đàm phán các hiệp định với các chính phủ nước ngoài để hạn chế xuất khẩu nông sản và hàng dệt vào Hoa Kỳ. Quyền này được sử dụng rộng rãi trước khi Vòng đàm phán Urugoay kết thúc năm 1994. Hiện nay, quyền hạn chế nhập khẩu nông sản và hàng dệt vào Hoa Kỳ được thực hiện theo qui định của Luật Thực hiện các Hiệp định Vòng Uruguay.
Hiệp định Đa sợi/Hiệp định hàng dệt may
Hiệp định đa sợi (Multifiber agreement - MFA), một hiệp định quốc tế có hiệu lực tháng 1 năm 1974, cho phép các thành viên ký kết GATT đàm phán các hiệp định song phương nhằm hạn chế về số lượng đối với hàng dệt và quần áo nhập khẩu. Được gia hạn thêm 6 lần, hiệp định MFA đã hết hạn ngày 31/12/1994 và ngay lập tức được thay thế bằng Hiệp định hàng dệt may (ATC) trong khuôn khổ Vòng đàm phán Urugoay.
Trong khuôn khổ ATC, các hạn ngạch và hạn chế đối với việc buôn bán hàng dệt may được dỡ bỏ dần trong 3 giai đoạn và hết hạn vào ngày 1 tháng 1 năm 2005. Tất cả các thành viên WTO là đối tượng áp dụng của Hiệp định ATC, cho dù họ có phải là nước đã ký kết MFA hay không, và chỉ các nước thành viên của WTO mới đủ tiêu chuẩn được hưởng các lợi ích của hiệp định này.
Hiệp định dệt may song phương Việt Nam - Hoa Kỳ ký tháng 4 năm 2003 và bắt đầu có hiệu lực từ 1 tháng 5 năm 2003. Theo hiệp định này, 38 cát hàng dệt may từ Việt Nam phải chịu hạn chế về số lượng nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Vì Việt Nam chưa phải là thành viên WTO, nên xuất khẩu hàng dệt may Việt nam vào Hoa Kỳ sau 1/1/2005 vẫn bị hạn chế bằng hạn ngạch.
Nông nghiệp và Luật Thực hiện các Hiệp định Vòng đàm phán Urugoay
Mục 401 của Luật thực các Hiệp định Vòng đàm phán Urugoay đã sửa đổi Mục 22 Luật Điều chỉnh Nông nghiệp năm 1933 nhằm cấm các hình thức hạn chế số lượng hoặc lệ phí đối với việc nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ các thành viên của WTO. Từ khi thỏa thuận thành lập WTO có hiệu lực ngày 1 tháng 1 năm 1995 tới nay, chỉ có lúa mì được loại trừ khỏi lệnh cấm này. Tuy nhiên, quyền hạn chế nhập khẩu theo Mục 22 này vẫn tiếp tục được áp dụng với các nước không là thành viên WTO.
Các hiệp định trong khuôn khổ Vòng đàm phán Urugoay về nông nghiệp yêu cầu các thành viên của WTO cam kết giảm trợ giá xuất khẩu và trợ giá trong nước, và mở cửa thị trường. Hiệp định thiết lập các quy chế và cam kết cắt giảm sẽ được thực hiện trong vòng 6 năm đối với các nước phát triển và 10 năm đối với các nước đang phát triển. Hoa Kỳ đã đồng ý trong khuôn khổ của WTO để chuyển việc áp dụng hạn ngạch và lệ phí đối với nông sản sang thuế hạn ngạch, và giảm dần thuế quan. (Xem thêm phần thuế hạn ngạch trong mục thuế quan.)
Hạn ngạch thuế quan đối với sản phẩm đường
Mặc dù, kể từ năm 1934, Hoa Kỳ đã có những biện pháp hạn chế nhập khẩu đường nhằm hỗ trợ ngành mía đường và củ cải đường trong nước phát triển, song Hoa Kỳ luôn luôn là nước nhập khẩu ròng sản phẩm đường, có lúc nhập tới trên 50% lượng đường tiêu thụ. Hệ thống bảo hộ nhập khẩu của Hoa Kỳ đã làm giá đường trong nước cao hơn giá thế giới.
Để chương trình đường của Hoa Kỳ phù hợp với GATT, và sau đó là Hiệp định Vòng đàm phán Urugoay, năm 1990 Hoa Kỳ đã thay hạn ngạch tuyệt đối áp dụng đối với đường nhập khẩu bằng hạn ngạch thuế quan. Do kết quả của các Vòng đàm phán Thương mại Đa phương Urugoay, hai loại hạn ngạch thuế quan đã được Hoa Kỳ áp dụng, một loại áp dụng đối với đường mía thô, và một loại áp dụng đối với đường tinh chế, kể cả mật đường. Ngoài ra, Hoa Kỳ cam kết giảm thêm 15% thuế trong vòng 6 năm đối với khối lượng đường nhập khẩu vượt hạn ngạch.
Theo quy định của hệ thống hạn ngạch thuế quan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp sẽ xác định khối lượng đường có thể nhập khẩu với thuế suất thấp trong hạn ngạch. Đối với đường mía thô, trên cơ sở hạn ngạch do Bộ Nông nghiệp quyết định Đại diện Thương mại Hoa Kỳ sẽ phân bổ số lượng này cho 40 nước xuất khẩu đường đủ tiêu chuẩn xuất đường vào Hoa Kỳ. Lượng nhập khẩu trong hạn ngạch phân bổ cho các nước trong chương trình GSP, CBI, và ATPA được miễn thuế. Chứng nhận đủ tiêu chuẩn hạn ngạch (Certificates of Quota Eligibility - CQE) phát cho các nước xuất khẩu phải được thực hiện và hoàn lại trong từng đợt nhập khẩu đường để nhận đãi ngộ hạn ngạch. Hạn ngạch đường tinh luyện sẽ được phân bổ trên cở sở toàn cầu, xin trước, được trước.
Lượng nhập khẩu đường vượt quá mức cho phép sẽ phải chịu mức thuế cao hơn. Đường nhập khẩu từ Mehico và Canada được điều chỉnh theo các điều khoản của NAFTA. Đường nhập khẩu vượt hạn ngạch từ những nước được hưởng lợi từ các chương trình GSP, CBI, và ATPA phải chịu mức thuế vượt hạn ngạch bình thường như nhập từ các nước khác.
Hạn ngạch thuế quan đối với thịt
Mục 403 Luật Vòng đàm phán Uruguay đã hủy bỏ Luật Nhập khẩu thịt năm 1979, theo đó hạn ngạch hạn chế số lượng nhập khẩu thịt bò, thịt bê, thịt cừu và thịt dê được thay thế bằng thuế hạn ngạch. Hiện nay, chỉ còn có thịt bò là phải chịu hạn ngạch thuế quan. Riêng thịt bò nhập từ Canada và Mê hi cô không phải chịu hạn ngạch thuế quan.
Cấm nhập khẩu một số loại rau quả nếu không áp ứng được phẩm cấp tiêu thụ
Mục 8e Luật Điều chỉnh Nông nghiệp năm 1937, như đã được sửa đổi, cấm nhập khẩu một số loại rau quả không đáp ứng các yêu cầu theo phẩm cấp tiêu thụ (marketing order) do Bộ Nông nghiệp đặt ra đang có hiệu lực đối với sản phẩm trong nước cùng loại về cấp, kích cỡ, chất lượng hoặc độ chín. Danh mục các sản phẩm nhập khẩu thuộc diện phải đáp ứng các yêu cầu phẩm cấp tiêu thụ theo luật này có thể thay đổi. Hiện tại, danh mục này bao gồm: quả avocados (tương tự như quả cóc) chà là (trừ chà là để chế biến), quả phỉ (filberts), bưởi, table grapes, quả Kiwi, ô liu (khác với ô liu xanh kiểu Tây ban nha), hành, cam, mận, mận khô, khoai tây Ailen, cà chua, nho khô, và hạnh nhân.
Nếu Bộ Nông nghiệp thấy việc đòi hỏi hàng nhập khẩu phải đáp ứng những yêu cầu phẩm cấp tiêu thụ như hàng sản xuất trong nước là không thực tế do chúng có các đặc tính khác nhau thì Bộ Nông nghiệp phải thiết lập các tiêu chuẩn về cấp, kích cỡ, chất lượng và độ chín đối với hàng nhập khẩu mà Bộ cho là tương ứng hoặc tương đương với những tiêu chuẩn áp dụng với hàng sản xuất trong nước.
Mục 4603 Luật Thương mại và Cạnh tranh Omnibus năm 1988 đã sửa đổi điều 8e cho thêm quyền Bộ trưởng Nông nghiệp được qui định thêm thời gian (không quá 35 ngày) áp dụng hạn chế đối với hàng nhập khẩu, nếu Bộ trưởng thấy cần thiết phải làm như vậy để thực hiện được các mục đích của Luật và tránh gian lận các yêu cầu phẩm cấp tiêu thụ có tính mùa vụ. Điều này có nghĩa là thời hạn áp dụng phẩm cấp tiêu thụ đối với hàng nhập có thể kéo dài hơn (không quá 35 ngày) so với thời hạn áp dụng đối với hàng sản xuất trong nước.
Mục 1308 Luật Lương thực, Nông nghiệp, Bảo tồn và Thương mại năm 1990 (hay gọi tắt là luật nông nghiệp năm 1990) đã sửa đổi Mục 8e yêu cầu bộ Nông nghiệp phải tham khảo ý kiến Đại diện Thương mại trước khi áp dụng lệnh cấm nhập khẩu theo Mục 8e. Đại diện Thương mại có trách nhiêm trả lời Bộ Nông nghiệp trong vòng 60 ngày để đảm bảo những qui định về cấp, kích cỡ, chất lượng và độ chín không trái với các nghĩa vụ quốc tế của Hoa Kỳ.
Trang web của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ tại địa chỉ www.ams.usda.gov/ cung cấp đầy đủ các thông tin về phẩm cấp tiêu thụ hàng rau quả tại Hoa Kỳ như giới thiệu sơ bộ ở trên.
Hạn chế nhập khẩu theo các luật môi trường
Dưới đây là qui định của một số luật chủ yếu của Hoa Kỳ có sử dụng những biện pháp hạn chế nhập khẩu để ép các chính phủ nước ngoài áp dụng những thông lệ bảo vệ cá heo, hải sản, chim rừng, và các loài động vật khác có nguy cơ bị diệt chủng.
Luật bảo vệ động vật biển có vú 1972 (MMPA)
Luật này được ban hành năm 1972 cấm nhập khẩu động vật biển có vú và các sản phẩm của các loài động vật này, trừ một số ít trường hợp đặc biệt như vì mục đích nghiên cứu khoa học. Luật này cũng dành quyền cho Bộ trưởng Tài chính cấm nhập khẩu cá hoặc các sản phẩm chế biến từ cá được đánh bắt bằng kỹ thuật dẫn đến làm chết hoặc bị thương nghiêm trọng các loài động vật có vú ở đại dương vượt quá mức tiêu chuẩn của Hoa Kỳ.
Năm 1984, Luật MMPA được sửa đổi yêu cầu từng nước muốn xuất khẩu cá ngừ sang Hoa Kỳ phải cung cấp cho Hoa Kỳ các chứng từ chứng minh nước đó đã áp dụng chương trình bảo tồn cá heo (dolphin) tương ứng như chương trình của Hoa Kỳ và tỷ lệ gây chết cá heo trung bình do dùng lưới có túi của các tàu đánh cá của nước đó tương đương với tỷ lệ gây chết của đội tàu đánh cá của Hoa Kỳ. Nếu các yêu cầu này không được đáp ứng thì Hoa Kỳ sẽ cấm vận cá ngừ vây vàng và các sản phẩm cá này. Sửa đổi này dựa trên cơ sở lý lẽ cho rằng cá heo bơi cùng với cá ngừ và loại lưới có túi dùng để đánh bắt cá ngừ có thể gây tai họa diệt chủng cho cá heo.
Năm 1988, Luật MMPA tiếp tục được sửa đổi yêu cầu qui chế của các nước khác về đánh bắt cá ngừ đông Thái bình dương nhiệt đới ít nhất cũng phải chặt chẽ như của Hoa Kỳ. Sửa đổi năm 1988 cũng yêu cầu chính phủ nước trung gian xuất khẩu cá ngừ vây vàng hoặc các sản phẩm chế biến từ cá này vào Hoa Kỳ phải xác nhận và cung cấp các bằng chứng hợp lý là họ đã cấm nhập khẩu cá ngừ và sản phẩm cá ngừ từ những nước không được phép xuất khẩu trực tiếp cá ngừ và sản phẩm cá ngừ vào Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ đã sử dụng Luật này cấm nhập cá ngừ vây vàng của Mêhicô vào tháng 8 năm 1990 và bị Mêhicô kiện ra GATT. Tháng 9 năm 1991, GATT đã phán quyết cho Mêhicô thắng kiện. Cá ngừ vây vàng của Vênêzuela cũng bị cấm nhập khẩu vào Hoa Kỳ và nước này cũng kiện Hoa Kỳ ra GATT năm 1992. Tranh chấp thứ ba tại GATT liên quan đến Luật này xảy ra năm 1992 sau khi một tòa án Liên bang khu vực Hoa Kỳ phán quyết Luật MMPA cũng yêu cầu cấm nhập khẩu sản phẩm cá ngừ từ khoảng 20 nước trung gian trong đó có các nước EC đã không chứng nhận và cung cấp các bằng chứng là họ đã cấm nhập cá ngừ từ các nước bị Hoa Kỳ cấm vận cá ngừ. Tháng 5 năm 1994, hội đồng giải quyết tranh chấp của GATT đã ra thông báo với nội dung là cấm vận cá ngừ của Hoa Kỳ trái với các qui định của GATT.
Luật bảo tồn cá heo quốc tế
Để tăng cường hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ cá heo và giải quyết các tranh chấp thương mại liên quan đến Luật MMPA như giới thiệu ở trên, năm 1992, Hoa Kỳ đã ban hành Luật bảo tồn cá heo quốc tế. Luật này uỷ quyền cho Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ ký kết các thỏa thuận quốc tế tạm ngừng trên phạm vi toàn cầu trong thời gian ít nhất là 5 năm bắt đầu từ 1/3/1994 tập quán cố ý bao vây cá heo bằng lưới quét trong khi đánh bắt cá ngừ. Những qui định về cấm vận nhập khẩu vào Hoa Kỳ theo Luật MMPA sẽ không áp dung với những nước ký kết thỏa thuận tạm ngừng nói trên với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Luât này cũng dành quyền cho Tổng thống chỉ đạo Bộ Tài chính cấm nhập khẩu một số mặt hàng từ nước đã ký thỏa thuận tạm ngừng nói trên với Hoa Kỳ song sau đó lại không thực hiện. Bộ Thương mại có trách nhiệm theo dõi thực hiện các thoả thuận tạm ngừng.
Luật Chương trình bảo tồn cá heo quốc tế 1997
Luật này được ban hành năm 1997 sửa đổi Luật MMPA cho phép nhập khẩu tự do vào Hoa Kỳ cá ngừ vây vàng và sản phẩm chế biến từ cá này từ các nước tham gia Tuyên bố Panama, một thỏa thuận quốc tế ký năm 1995 về chương trình bảo tồn cá heo quốc tế. Các sản phẩm nhập khẩu vào Hoa Kỳ theo Luật này phải có ký hiệu “an toàn cá heo” (dolphin-safe)
Mục 609 Luật công Hoa Kỳ 101-162
Như Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gần đây giải thích luật này, Hoa Kỳ đã cấm nhập khẩu tôm đánh bắt tự nhiên từ các khu vực trên thế giới, nếu việc đánh bắt có thể gây nguy hiểm hoặc đe dọa đến loài rùa biển, trừ những nước được chứng nhận đã yêu cầu thuyền đánh bắt tôm của họ sử dụng các thiết bị ngăn rùa biển. Các thuyền đánh bắt tôm của Hoa Kỳ cũng phải đáp ứng yêu cầu tương tự. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thông báo danh sách các nước được chứng nhận hàng năm vào ngày 1 tháng 5. Một số nước đã không thừa nhận lệnh cấm này tại WTO và coi đây là một biện pháp bảo hộ tinh vi cho ngành đánh bắt tôm Hoa Kỳ.
Đạo luật năm 1973 về các loài động vật có nguy cơ bị diệt chủng
Luật này cho phép Bộ Nội vụ Hoa Kỳ được quyền cấm nhập khẩu một số loài hoặc họ động vật được coi là có nguy cơ bị diệt chủng.
Điều 8 Luật bảo vệ ngư dân 1976
Điều 8 Luật bảo vệ ngư dân năm 1976, như đã được sửa đổi (thường được gọi là “Luật sửa đổi bổ sung Pelly”, dành quyền cho Tổng thống cấm nhập khẩu bất kỳ sản phẩm nào từ bất kỳ một nước nào tiến hành những hoạt động đánh bắt hoặc tham gia vào buôn bán hải sản làm giảm hiệu quả của các chương trình quốc tế về bảo tồn hải sản hoặc các chương trình quốc tế về các loài động vật có nguy cơ bị diệt chủng. Dựa trên Luật sửa đổi bổ sung Pelly, Tổng thống Clinton đã cấm một số hàng nhập khẩu từ Đài Loan, sau khi chính phủ Mỹ xác định rằng Đài loan đang buôn bán sừng tê giác và xương hổ, vi phạm Công ước thương mại quốc tế về buôn bán động vật có nguy cơ bị diệt chủng. Những lệnh trừng phạt theo Luật sửa đổi bổ sung Pelly cũng được đe dọa áp dụng đối với một số nước đánh bắt cá heo.
Luật thực thi lệnh cấm đánh cá ngoài khơi xa bằng lưới quét
Luật này được ban hành năm 1992 nhằm hỗ trợ cho việc thực thi trên phạm vi quốc tế Nghị quyết của Liên hiệp quốc cấm đánh bắt cá bằng lưới quét qui mô lớn ở ngoài khơi xa sau ngày 31/12/1992.
Theo Luật này, Bộ Thương mại có trách nhiệm định kỳ phát hiện và báo cáo lên Tổng thống những nước vi phạm lệnh cấm của Liên hiệp quốc, Trong vòng 30 ngày sau khi nhận được báo cáo của Bộ Thương mại, Tổng thống phải tiến hành tham vấn với nước bị phát hiện vi phạm để thỏa thuận chấm dứt ngay lập tức vi phạm đó. Nếu trong vòng 90 ngày tham vấn không đạt được kết quả thỏa đáng thì Tổng thống sẽ chỉ đạo Bộ trưởng Tài chính cấm nhập khẩu các loại thủy sản có vỏ (tôm, cua, sò, hến...), cá và các sản phẩm cá, và thiết bị câu cá thể thao từ nước liên quan. Nếu nước vi phạm không chấm dứt việc đánh bắt bằng lưới quét qui mô lớn trong vòng 6 tháng sau khi bị phát hiện hoặc có hành động trả đũa đối với lệnh cấm nhập ban đầu của Hoa Kỳ thì nước đó sẽ bị cấm vận thêm các mặt hàng khác.
Luật bảo tồn chim rừng năm 1992
Bộ trưởng Nội vụ được quyền cấm nhập khẩu các loại chim hiếm được ghi trong các phụ lục của Công ước Thương mại Quốc tế về buôn bán động vật có nguy cơ bị diệt chủng.
Hạn chế nhập khẩu vì an ninh quốc gia
Mục 232 của Luật Phát triển Thương mại năm 1962 cho phép Tổng thống áp đặt những hạn chế đối với hàng nhập khẩu đe dọa đến an ninh quốc gia. Luật này thỉnh thoảng được sử dụng, đáng chú ý nhất là nhằm ấn định hạn ngạch và lệ phí đối với dầu mỏ nhập khẩu và để cấm nhập khẩu các sản phẩm lọc dầu từ Libya.
Hạn chế nhập khẩu vì cán cân thanh toán
Mục 122 của Luật Thương mại năm 1974 cho phép Tổng thống có quyền tăng hoặc giảm nhập khẩu để đối phó với sức ép cán cân thanh toán. Tổng thống có thể thắt chặt những hạn chế nhập khẩu thông qua hạn ngạch hoặc thuế phụ thu nhập khẩu 15% trên giá trị, hoặc kết hợp cả hai. Luật này chưa bao giờ được sử dụng.
Các tin cũ hơn