• Các quyền hạn chế nhập khẩu tự vệ

    2/4/2008 3:57:00 AM

    Các Mục từ 201 đến 204 của Luật Thương mại năm 1974, được sửa đổi tại Mục 1401 của Luật Thương mại và Cạnh tranh Omnibus năm 1988 và các Mục 301-304 của Luật về các Hiệp định vòng Đàm phán Uruguay qui định quyền và trình tự cho Tổng thống có thể tiến hành một số biện pháp, kể cả biện pháp hạn chế nhập khẩu nhằm hỗ trợ một ngành sản xuất nào đó trong nước đã và đang bị thiệt hại nghiêm trọng, hoặc bị đe dọa thiệt hại nghiêm trọng do hàng nhập khẩu với khối lượng lớn gây nên.

    Các Mục 201 - 204 Luật Thương mại năm 1974

    Các Mục từ 201 đến 204 của Luật Thương mại năm 1974, được sửa đổi tại Mục 1401 của Luật Thương mại và Cạnh tranh Omnibus năm 1988 và các Mục 301-304 của Luật về các Hiệp định vòng Đàm phán Uruguay qui định quyền và trình tự cho Tổng thống có thể tiến hành một số biện pháp, kể cả biện pháp hạn chế nhập khẩu nhằm hỗ trợ một ngành sản xuất nào đó trong nước đã và đang bị thiệt hại nghiêm trọng, hoặc bị đe dọa thiệt hại nghiêm trọng do hàng nhập khẩu với khối lượng lớn gây nên. Quyền này có thể sử dụng ngay cả khi hàng nhập khẩu được coi là không bán phá giá.

    Uỷ ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC) có trách nhiệm điều tra, báo cáo kết quả điều tra và khuyến nghị các biện pháp lên Tổng thống. Việc điều tra được tiến hành trên cơ sở đơn khiếu nại của đại diện ngành công nghiệp, hoặc theo yêu cầu của Tổng thổng hoặc của Đại diện thương mại Hoa Kỳ hoặc của Uỷ ban Chính sách và Tài chính Hạ viện (House Committee on Ways and Means) hoặc của Uỷ ban Tài chính Thượng viện (Senate Committee on Finance), hoặc do tự USITC quyết định. Thời hạn để hoàn thành điều tra, báo cáo kết quả điều tra và khuyến nghị các biện pháp lên Tổng thống là 180 ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại của ngành công nghiệp hoặc yêu cầu của một trong những cơ quan chức trách nói trên.

    Đơn khiếu nại của ngành công nghiệp phải nói rõ mục đích cụ thể của những biện pháp hỗ trợ của chính phủ mà ngành đang trông đợi. Những mục đích này có thể là để hỗ trợ cho việc chuyển đổi nguồn lực sang các lĩnh vực khác có hiệu quả hơn, tăng khả năng cạnh tranh, hoặc các biện pháp khác để thích ứng với các điều kiện cạnh tranh mới.  

    Cuộc điều tra được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn đầu là để xem có thiệt hại hay không, thường phải hoàn thành trong vòng 120 ngày (thời hạn này có thể được gia hạn thêm 30 ngày trong những trường hợp hết sức phức tạp), và giai đoạn sau đưa ra biện pháp giải quyết nếu cần thiết. Nếu USITC đưa ra kết luận có thiệt hại, thì họ sẽ khuyến nghị lên Tổng thống những biện pháp nhằm tạo điều kiện cho ngành công nghiệp có thể điều chỉnh thích ứng với sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu. Những biện pháp này có thể là tăng thuế nhập khẩu, áp đặt thuế hạn ngạch, hạn chế số lượng, các biện pháp điều chỉnh, hoặc kết hợp các biện pháp trên. Đối với các đối tác của NAFTA, USITC còn phải xác định xem hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada có chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng nhập khẩu và có phải là nguyên nhân chính gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp Hoa Kỳ hay không.

    USITC cũng tổ chức lấy ý kiến công luận trong quá trình điều tra xác định thiệt hại và đưa ra biện pháp giải quyết. Công chúng được quyền tiếp cận báo cáo kết quả điều tra và khuyến nghị các biện pháp của USITC và tóm tắt về báo cáo này phải được đăng trên Công báo Liên bang.

    Trên cơ sở báo cáo của USITC bao gồm báo cáo đánh giá xác định thiệt hại và khuyến nghị biện pháp, Tổng thống có 60 ngày để quyết định xem phải làm gì. Tổng thống không bị ràng buộc bởi những khuyến nghị của USITC. Tổng thống có thể thực hiện khuyến nghị của Uỷ ban, có thể thay đổi một phần khuyến nghị trong quyền hạn của mình, hoặc không hành động gì cả. Tổng thống phải báo cáo với Quốc hội về quyết định của mình. Nếu hành động của Tổng thống khác với những khuyến nghị của USITC, Tổng thống sẽ phải giải thích lý do tại sao. Quốc hội có thể, thông qua một nghị quyết chung trong vòng 90 ngày, yêu cầu Tổng thống thực hiện những biện pháp được USITC khuyến nghị.

    Có một số qui định đặc biệt trong đó cho phép áp dụng những biện pháp cứu trợ ngay “tạm thời” trong khi chờ hoàn tất quá trình điều tra. Nếu trong đơn kiện của ngành công nghiệp có cáo buộc có tình trạng khẩn cấp thì trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận đơn, USITC phải xác định có tình trạng khẩn cấp hay không và nếu có thì phải khuyến nghị biện pháp lên Tổng thống. Trong vòng 30 ngày Tổng thống sẽ phải quyết định hành động. Các biện pháp cứu trợ tạm thời có thể tồn tại cho đến khi hoàn tất quá trình điều tra của USITC; tuy nhiên, không thể kéo dài quá 200 ngày.  

    Những biện pháp cứu trợ này có thể được áp dụng giai đoạn đầu kéo dài có thể tới 4 năm và có thể được gia hạn, nhưng tổng thời gian áp dụng không quá 8 năm. Khi ban hành các biện pháp cứu trợ này, USITC sẽ giám sát tiến triển trong các ngành kinh tế được hưởng lợi. Nếu thời hạn áp dụng các biện pháp cứu trợ tạm thời kéo dài trên 3 năm, USITC phải báo cáo lên Tổng thống và Quốc hội về tình trạng của ngành công nghiệp tại thời điểm không muộn hơn giữa kỳ áp dụng biện pháp cứu trợ.

    Mục 406 Luật Thương mại năm 1974: rối loạn thị trường do nhập khẩu từ các nước cộng sản

    Mục 406 Luật Thương mại năm 1974, như được sửa đổi trong Luật Thương mại và Cạnh tranh Omnibus năm 1988 qui định cho phép Tổng thống có thể áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu từ các nước cộng sản nếu xét thấy nhập khẩu từ những nước này gây rối loạn thị trường. Điều này áp dụng với bất kỳ nước cộng sản nào bất kể nước đó đã hoặc đang hưởng đối xử tối huệ quốc hay không.

    Các qui định của Mục 406 về cơ bản tương tự như các qui định của Mục 201 - 203 trong cùng Luật Thương mại. Tuy nhiên, Mục 406 qui định mức độ gây thiệt hại thấp hơn và trình tự xử lý hạn chế nhập khẩu nhanh hơn, và điều tra tập trung vào nhập khẩu từ một nước cụ thể.

    Theo qui định của Mục 406, Uỷ ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC) tiến hành điều tra để xác định xem nhập khẩu một mặt hàng nào đó từ một nước cộng sản nào đó (bất kỳ nước nào do cộng sản cầm quyền hoặc chi phối) có gây rối loạn thị trường đối với mặt hàng sản xuất nội địa hay không. Rối loạn thị trường xẩy ra khi nhập khẩu một mặt hàng có thể hoặc trực tiếp cạnh tranh với một mặt hàng sản xuất nội địa tăng nhanh đến mức trở thành nguyên nhân đáng kể gây thiệt hại vật chất hoặc đe dọa gây thiệt hại vật chất cho ngành công nghiệp trong nước.

    Nhập khẩu được coi là tăng nhanh nếu khối lượng nhập khẩu tăng đáng kể tuyệt đối hoặc tương đối so với sản xuất trong nước trong một giai đoạn gần nhất. Những yếu tố làm căn cứ xác định có rối loạn thị trường hay không gồm: khối lượng nhập khẩu, ảnh hưởng của nhập khẩu đối với giá, tác động của nhập khẩu đối với các nhà sản xuất trong nước, các chứng cớ hình thành giá gây rối loạn, và một số yếu tố khác.

    USITC tiến hành điều tra theo yêu cầu của Tổng thống hoặc của Đại diện thương mại (USTR), trên cơ sở nghị quyết của Uỷ ban Phương pháp và Phương tiện của Hạ viện hoặc Uỷ ban Tài chính của Thượng viện, trên cơ sở tự quyết định của USITC, hoặc trên cơ sở đơn kiện của đại diện ngành công nghiệp trong nước. Thời hạn hoàn thành điều tra là 3 tháng kể cả thời gian tham khảo ý kiến công chúng.

    Nếu USITC thấy có rối loạn thị trường, USITC sẽ khuyến nghị lên Tổng thống các biện pháp hạn chế nhập khẩu dưới hình thức thuế nhập khẩu hoặc hạn chế số lượng. Tổng thống có 60 ngày để thông báo cho Quốc hội về những biện pháp hạn chế nhập khẩu mà Tổng thống sẽ công bố. Biện pháp hạn chế nhập khẩu phải được công bố trong vòng 15 ngày kể từ khi quyết định áp dụng, trừ trường hợp Tổng thống có thêm 60 ngày để đàm phán thoả thuận makéting có trật tự (orderly marketing agreement). Hạn chế nhập khẩu chỉ áp dụng với nước cộng sản bị điều tra và có thời hạn 5 năm và có thể kéo dài thêm 3 năm.  

    Theo Mục 406, Tổng thống có quyền áp dụng các biện pháp hạn chế khẩn cấp tạm thời đối với nhập khẩu từ một nước cộng sản nếu Tổng thống thấy có đủ lý do để tin rằng có rối loạn thị trường. Những biện pháp tạm thời này sẽ chấm dứt vào ngày USITC xác định không có rối loạn thị trường hoặc vào ngày hiệu lực của các biện pháp chính thức được Tổng thống công bố trong trường hợp USITC xác định có rối loạn thị trường.

    USITC đã tiến hành điều tra một số vụ theo Mục 406 đối với hàng nhập từ Trung Quốc, Nga, và Đông Đức trước đây, trong đó có hai vụ USITC xác định có rối loạn thị trường. Hai vụ này đều liên quan đến hàng nhập từ Trung Quốc. Tuy nhiên, chưa có trường hợp nào Tổng thống áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu. Thay vào đó, Tổng thống Ronald Reagan đã yêu cầu Hoa Kỳ và Trung Quốc đàm phán thỏa thuận makéting có trật tự đối với mặt hàng Ammonium Paratungstate và axít Tungstic (1987) và Tổng thống Bill Clinton đưa ra chương trình theo dõi nhập khẩu đối với hàng mật ong (1994).

    Mục 301 - 310 về tiếp cận thị trường (thực thi các quyền của Hoa Kỳ theo các hiệp định thương mại và phản ứng với một số hành vi của nước ngoài)

    Chương 1 phần III (Mục 301 - 310) Luật Thương mại năm 1974, như đã được sửa đổi, qui định quyền và trình tự thực thi các quyền của Hoa Kỳ theo các hiệp định thương mại để phản ứng với một số tập quán thương mại không công bằng của nước ngoài. Mục 301 được sửa đổi theo phần 9 Luật các hiệp định thương mại năm 1979 thành hai phần chính: (1) quyền cụ thể để thực thi các quyền của Hoa Kỳ và phản ứng với những hành động của các nước ngoài trái với hoặc phủ nhận các lợi ích của Hoa Kỳ được qui định trong các hiệp định thương mại, và (2) qui định thời hạn cụ thể cho tiến trình điều tra và quyết định hành động. Một số sửa đổi bổ sung được ban hành trong Mục 304 và 307(b) Luật Thương mại và Thuế quan năm 1984 nhằm làm rõ một số quyền và tập quán nêu trong Mục 301, và cho phép áp dụng một số hành động liên quan đến các yêu cầu xuất khẩu của nước ngoài.

    Mục 1301-1303 Luật Thương mại và Cạnh tranh Omnibus năm 1988 đã có những sửa đổi và bổ sung lớn đối với các mục thường được gọi là “mục 301” (section 301), “Siêu 301” (Super 301) và “301 Đặc biệt” (Special 301). Những sửa đổi và bổ sung chính lần này nhằm tăng cường quyền theo mục 301 cơ bản gồm: (1) yêu cầu Đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) xác định về những tập quán thương mại không công bằng trong tất cả các trường hợp, và phân cấp quyền xác định và thực hiện hành động theo mục 301 từ Tổng thống xuống cho USTR, dưới sự chỉ đạo của Tổng thống nếu có; (2) coi hành động theo mục 301 là bắt buộc trong tất cả các trường hợp vi phạm hiệp định thương mại hoặc có tập quán không chính đáng khác, trừ trong một số trường hợp; (3) bổ sung thêm một số loại tập quán có thể coi là không công bằng theo mục 301; (4) rút ngắn và cụ thể hóa thời hạn điều tra và hành động; và (5) yêu cầu giám sát và thực thi các thỏa thuận giải quyết và qui định về thay đổi và chấm dứt các hành động theo Mục 301.

    Luật về các hiệp định Vòng Uruguay đã sửa đổi thêm các Mục 301-310 và 182 Luật Thương mại năm 1974 để phù hợp với giới hạn thời gian theo Qui định của WTO về giải quyết tranh chấp.

     

    Quyền và trình tự thực thi theo Mục 301

     

    Các Mục 301-309 Luật Thương mại năm 1974, như đã được sửa đổi và bổ sung như giới thiệu ở trên, qui định các điều luật trong nước tương ứng với trình tự tham vấn và giải quyết tranh chấp của WTO. Những mục này qui định quyền hành động trả đũa theo luật trong nước Hoa Kỳ, kể cả hạn chế nhập khẩu nếu thấy cần thiết, để thực thi quyền của Hoa Kỳ chống lại những vi phạm hiệp định thương mại của nước ngoài và những tập quán ngoại thương không chính đáng, vô lý, hoặc phân biệt đối xử gây khó khăn hoặc hạn chế đến hoạt động thương mại của Hoa Kỳ. Mục 301 áp dụng đối với tất cả các nước thành viên WTO và các nước khác có hiệp định thương mại với Hoa Kỳ. USTR chịu trách nhiệm thực thi luật thông qua một ủy ban liên ngành.

    Theo Mục 301, nếu USTR xác định một hành động, chính sách hoặc tập quán của một nước ngoài vi phạm hoặc trái với hiệp định thương mại hoặc không chính đáng và gây khó khăn hoặc hạn chế thương mại của Hoa Kỳ thì bắt buộc USTR phải có hành động nhằm thực thi các quyền của hiệp định thương mại hoặc xoá bỏ hành động, chính sách hoặc tập quán đó. Hành động của USTR chịu sự chỉ đạo cụ thể của Tổng thống, nếu có.

    Tuy nhiên, USTR không được hành động nếu (1) báo cáo của hội đồng xử lý tranh chấp WTO/GATT hoặc phán quyết tranh chấp theo hiệp định thương mại cho rằng các quyền theo hiệp định thương mại của Hoa Kỳ không bị phủ định hoặc vi phạm; (2) USTR thấy rằng nước ngoài đó đang áp dụng các biện pháp thỏa đáng để dành cho Hoa Kỳ các quyền theo hiệp định thương mại, đã đồng ý sẽ loại bỏ hoặc loại bỏ theo lộ trình tập quán đó hoặc đã thoả thuận sẽ bồi thường thỏa đáng lợi ích của Hoa Kỳ; hoặc (3) USTR thấy, trong những trường hợp đặc biệt, hành động của Hoa Kỳ sẽ hại nhiều hơn lợi đối với kinh tế Hoa Kỳ, hoặc hành động của Hoa Kỳ sẽ tác hại nghiêm trọng đến an ninh của Hoa Kỳ. Những hành động trả đũa của Hoa Kỳ phải ảnh hưởng tới những hàng hóa và dịch vụ có trị giá ngang bằng với trị giá khó khăn hoặc hạn chế mà nước ngoài gây ra đối với hoạt động thương mại của Hoa Kỳ.

    Những hành động mà USTR được quyền sử dụng gồm: (1) dừng, rút hoặc ngăn cản áp dụng các lợi ích thương mại mà Hoa Kỳ dành cho nước ngoài có liên quan theo hiệp định thương mại; (2) áp thuế nhập khẩu hoặc các hạn chế nhập khẩu khác đối với hàng hóa, phí hoặc hạn chế đối với dịch vụ của nước ngoài trong thời hạn thích đáng; (3) rút hoặc dừng các ưu đãi thuế nhập khẩu theo GSP, Sáng kiến khu vực lòng chảo Caribê, Luật ưu đãi thương mại Adean; hoặc (4) ký kết thỏa thuận ràng buộc bên nước ngoài cam kết (a) loại bỏ hoặc loại bỏ theo lộ trình hành động, chính sách, hoặc tập quán đó, (b) loại bỏ tất cả những khó khăn hoặc hạn chế đối với hoạt động kinh doanh của Hoa Kỳ do hành động, chính sách hoặc tập quán đó gây ra, hoặc (c) bồi thường thỏa đáng cho lợi ích thương mại của Hoa Kỳ. USTR có thể áp dụng tất cả những biện pháp thích đáng và có khả thi khác trong phạm vi quyền lực của Tổng thống mà Tổng thống có thể chỉ đạo USTR áp dụng.     

    Đối với dịch vụ, USTR có thể thắt chặt các điều kiện hoặc từ chối giấy phép vào thị trường Hoa Kỳ được cấp theo luật liên bang. Biện pháp này không áp dụng đối với những trường hợp đã được cấp phép trước ngày nộp đơn kiện hoặc ngày USTR đề xuất điều tra. Trước khi áp đặt phí hoặc các hạn chế khác đối với dịch vụ chịu sự điều tiết của luật lệ liên bang và bang, USTR phải tham vấn với các cơ quan hữu quan liên bang và bang.

    Hành động trả đũa theo Mục 301 có thể áp dụng trên cơ sở không phân biệt hoặc chỉ nhằm vào những sản phẩm hoặc dịch vụ của nước liên quan và đối với bất kỳ hàng hóa hoặc ngành nào bất kể hàng hóa hoặc ngành đó có liên quan đến hành động, chính sách hoặc tập quán cụ thể bị coi là vi phạm đó hay không. Luật không yêu cầu hành động trả đũa của Hoa Kỳ phải phù hợp với trách nhiệm của Hoa Kỳ theo các hiệp định quốc tế, nhưng Hoa Kỳ có thể sử dụng các điều khoản giải quyết tranh chấp của hiệp định đó.

    Từ “không chính đáng” (unjustifiable) nói đến những hành động, chính sách, hoặc tập quán vi phạm hoặc trái với quyền pháp lý quốc tế của Hoa Kỳ, như là từ chối ưu đãi đối xử quốc gia hoặc tối huệ quốc, từ chối quyền thành lập doanh nghiệp, hoặc không bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

    Từ “không hợp lý” (unreasonable) nói đến các hành động, chính sách, tập quán không nhất thiết vi phạm hoặc trái với các quyền pháp lý quốc tế của Hoa Kỳ, nhưng được coi là không công bằng và không bình đẳng. Ví dụ, không dành cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ cơ hội đầu tư công bằng và bình đẳng như các doanh nghiệp khác hoặc không bảo hộ thích đáng và có hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ như đối với các doanh nghiệp khác... cũng có thể coi là hành động, chính sách hoặc tập quán không hợp lý.

    Từ “mục tiêu xuất khẩu” (export targeting) nói đến các kế hoạch hoặc chương trình của chính phủ có những biện pháp hỗ trợ một doanh nghiệp, ngành công nghiệp, hoặc nhóm doanh nghiệp hoặc ngành công nghiệp với mục đích làm cho những đối tượng này có khả năng cạnh tranh hơn trong xuất khẩu một nhóm hoặc loại hàng hóa nào đó.

    Từ “Phân biệt đối xử” (discriminatory) nói đến bất kỳ hành động, chính sách, tập quán không dành đối xử quốc gia hoặc đối xử tối huệ quốc cho hàng hóa, dịch vụ , hoặc đầu tư của Hoa Kỳ.    

    Khiếu nại và điều tra

    Bất kỳ ai quan tâm đều có thể khiếu nại theo những qui định ở Mục 302 yêu cầu USTR áp dụng các biện pháp qui định ở mục 301. Trong vòng 45 ngày kể từ ngày nhận được đơn kiếu nại, USTR phải quyết định có tiến hành điều tra hay không. USTR cũng có thể tự khởi xướng điều tra sau khi tham khảo ý kiến của các uỷ ban cố vấn khu vự tư nhân.

    Mục 303 yêu cầu các thủ tục quốc tế để giải quyết vấn đề phải được triển khai song song với điều tra trong nước. Cùng ngày quyết định tiến hành điều tra, USTR phải yêu cầu tham vấn với nước ngoài có liên quan về vấn đề liên quan. USTR có thể lùi thời gian yêu cầu tham vấn trong phạm vi tới 90 ngày để xác minh hoặc bổ sung hồ sơ nhằm đảm bảo có đủ cơ sở cho tham vấn.

    Nếu những vấn đề liên quan có trong phạm vi hiệp định thương mại và không giải quyết được trong thời gian tham vấn, nếu có, được qui định cụ thể trong hiệp định, thì USTR phải nhanh chóng yêu cầu giải quyết tranh chấp chính thức theo qui định của hiệp định thương mại trước khi kết thúc thời hạn tham vấn hoặc trước khi hết 150 ngày kể từ ngày bắt đầu tham vấn, theo thời hạn nào đến trước.

    Áp dụng và thực hiện hành động trả đũa

    Mục 304 qui định thời hạn cụ thể USTR phải quyết định xem hành động, chính sách, hoặc tập quán được điều tra có đáp ứng các tiêu chí không công bằng theo qui định của Mục 301 hay không và, nếu có, thì phải áp dụng những hành động trả đũa gì, nếu có. USTR phải đưa ra những quyết này trong thời hạn được qui định trong Mục 304 như sau:

    (1)       Trong vòng 18 tháng sau ngày khởi xướng điều tra hoặc 30 ngày sau ngày kết thúc thủ tục giải quyết tranh chấp, theo thời hạn nào đến trước, trong tất cả các trường hợp liên quan đến hiệp định thương mại;

    (2)       Trong vòng 12 tháng sau ngày khởi xướng điều tra trong những trường hợp không liên quan đến hiệp định thương mại; hoặc

    (3)       Trong vòng 6 tháng sau ngày khởi xướng điều tra trong những trường hợp liên quan đến những “nước ngoài ưu tiên” (xem thêm phần 301 Đặc biệt đưới đây) nếu USTR cho rằng vấn đề liên quan không có dính dáng gì đến hiệp định thương mại kể cả hiệp định TRIPS, hoặc trong vòng 9 tháng nếu USTR xác định những trường hợp đó (1) liên quan đến những vấn đề phức tạp đòi hỏi phải có thêm thời gian, (2) nước ngoài đang có nhiều tiến bộ về những biện pháp pháp lý và hành chính có thể bảo hộ thích đáng và hiệu quả, hoặc (3) nước ngoài đang thực thi những biện pháp để bảo hộ thích đáng và hiệu quả.

    Thời hạn USTR phải ra những quyết định nói trên có thể kéo dài thêm tới 90 ngày nếu tham vấn với nước ngoài có liên quan bị chậm như vậy.

    Trước khi ra quyết định, USTR phải dành cho những người quan tâm cơ hội trình bày quan điểm, kể cả tổ chức điều trần công khai, và phải thu thập ý kiến của các uỷ ban cố vấn tư nhân thích hợp. Trong trường hợp đòi hỏi phải áp dụng nhanh hành động trả đũa, thì USTR phải thực hiện các yêu cầu nói trên sau khi ra quyết định. USTR cũng có thể yêu cầu Uỷ ban Thương mại Quốc tế của Hoa Kỳ (USITC) kiến về ảnh hưởng có thể có đối với kinh tế Hoa Kỳ do áp dụng những hành động như vậy.

    Mục 305 qui định USTR phải thực hiện các hành động theo Mục 301 trong vòng 30 ngày kể từ ngày ra quyết định. Trong một số trường hợp, USTR có thể chậm thi hành so với thời hạn qui định không quá 180 ngày. Trong trường hợp liên quan tới “nước ngoài ưu tiên”, việc áp dụng biện pháp trả đũa có thể chậm không quá 90 ngày so với thời hạn qui định và chỉ áp dụng trong những trường hợp đặc biệt.

    Trong trường hợp USTR xác định nước ngoài có hỗ trợ xuất khẩu (export targeting), song USTR vẫn không áp dụng hành động trả đũa, thì USTR phải áp dụng biện pháp thay thế dưới hình thức thành lập một uỷ ban tư vấn để kiến nghị các biện pháp tăng cường sức cạnh tranh của ngành trong nước bị ảnh hưởng. Trên cơ sở những kiến nghị này, USTR có thể áp dụng một số biện pháp hành chính được pháp luật cho phép hoặc đề xuất Quốc hội ban hành luật pháp để khôi phục hoặc nâng cao sức cạnh tranh quốc tế của ngành công nghiệp trong nước.

    Mục 306 qui định USTR phải giám sát thực hiện từng biện pháp được áp dụng hoặc thỏa thuận ký với nước ngoài theo Muc 301. Nếu USTR xét thấy nước ngoài không thực hiện thỏa đáng một biện pháp hoặc thỏa thuận, thì USTR phải quyết định những biện pháp trả đũa bổ sung. Việc nước ngoài không tuân thủ thỏa thuận đã ký được coi là vi phạm tiếp hiệp định thương mại.

    Mục 307 cho phép USTR sửa đổi hoặc chấm dứt hành động theo Mục 301 trong trường hợp những lý do dẫn đến áp dụng hành động đó thay đổi. Những hành động trả đũa áp dụng theo Mục 301 tự động chấm dứt sau 4 năm hiệu lực nếu bên kiện hoặc đại diện của ngành công nghiệp trong nước được hưởng lợi từ những hành động đó không có văn bản gửi đến USTR trong vòng 60 ngày cuối cùng của giai đoạn 4 năm đó yêu cầu tiếp tục áp dụng. Nếu có yêu cầu tiếp tục áp dụng, thì USTR sẽ tiến hành xem xét hiệu quả của Mục 301 hoặc những hành động khác trong việc thực hiện các mục tiêu và ảnh hưởng của những hành động đó đối với kinh tế Hoa Kỳ, kể cả người tiêu dùng Hoa Kỳ.

    Mục 301 và các qui định của WTO

    Các Mục 301 – 310 Luật Thương mại năm 1974, như đã được sửa đổi trong một số luật sau đó, cho phép USTR được quyền đơn phương áp dụng các biện pháp trả đũa thương mại như được giới thiệu tóm tắt ở trên đã bị một số nước WTO phản đối là không phù hợp với các qui định của WTO.

    Ngày 8 tháng 11 năm 1999, WTO đã phán quyết các Mục 301 – 310 Luật Thương mại năm 1974 của Hoa Kỳ trái với các qui định của WTO về xử lý tranh chấp. Tuy nhiên, do chính quyền Hoa Kỳ đã tuyên bố cam kết sẽ luôn luôn hành động đúng với các nghĩa vụ của Hoa Kỳ theo WTO, cho nên WTO đã kết luận Hoa Kỳ không bị coi là vi phạm qui định của WTO nếu Hoa Kỳ tôn trọng cam kết này. Kết quả thực tế của kết luận này của WTO đã làm cho các Mục 301 -310 không còn hiệu lực đối với các nước thành viên WTO.

    Tuy nhiên, các Mục 301 – 310 vẫn có hiệu lực thi hành với những nước có ký kết hiệp định thương mại với Hoa Kỳ nhưng chưa phải là thành viên WTO (như Việt Nam chẳng hạn). Trong trường hợp này, nước đối tác có liên quan không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc đàm phán trên cơ sở điều kiện do Hoa Kỳ đặt ra, và theo các qui định của luật pháp Hoa Kỳ.

    301 Đặc biệt (Special 301)

    Luật Thương mại và Canh tranh năm 1988 đã đưa ra điều luật thường được gọi là 301 Đặc biệt nhằm bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ ở ngoài Hoa Kỳ. 301 Đặc biệt yêu cầu USTR xác định “những nước ngoài ưu tiên” (priority foreign countries) để điều tra và xử lý theo Mục 301. “nước ngoài ưu tiên” theo điều luật này là nước từ chối bảo hộ thích đáng và hiệu quả các quyền sở hữu trí tuệ hoặc từ chối không cho các ngành công nghiệp có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ tiếp cận thị trường một cách công bằng và bình đẳng.

    Luật yêu cầu USTR phải tiến hành điều tra theo Mục 301 trong vòng 30 ngày sau khi xác định một nước ưu tiên trừ phi USTR cho rằng việc điều tra sẽ có ảnh hưởng xấu đến lợi ích kinh tế của Hoa Kỳ. Trong trường hợp này USTR phải báo cáo lý do chi tiết cho Quốc hội.

    Trong thực hiện, USTR có hai danh mục: “danh mục theo dõi ưu tiên” và “danh mục theo dõi”. Những nước bị liệt vào danh mục theo dõi ưu tiên là những nước có một số, chứ không phải tất cả, các tiêu chí của nước ngoài ưu tiên. Những vấn đề của những nước này đòi hỏi phải tích cực giải quyết và theo dõi chặt chẽ để quyết định xem có cần phải áp dụng thêm các hành động theo Mục 301 Đặc biệt hay không. Những nước bị liệt vào danh mục theo dõi là những nước áp dụng các biện pháp sở hữu trí tuệ ngăn cản tiếp cận thị trường đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt.

    Đầu tư trực tiếp nước ngoài

    Mục 307(b) Luật Thương mại và Thuế quan năm 1984 yêu cầu USTR phải tham vấn và đàm phán với nước liên quan để giảm và loại bỏ yêu cầu xuất khẩu đối với doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại nước đó. Ngoài ra, USTR có quyền áp thuế nhập khẩu hoặc hạn chế nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ từ nước liên quan, kể cả cấm không cho nhập vào Hoa Kỳ những sản phẩm bị yêu cầu phải xuất khẩu.

      Mục 337 chống cạnh tranh không công bằng

    Mục 337 của Luật Thuế quan năm 1930 như đã được sửa đổi cấm các hình thức cạnh tranh không công bằng và những hành vi không công bằng trong nhập khẩu và bán hàng ở Hoa Kỳ có đe dọa hoặc ảnh hưởng làm (1) huỷ hoại hoặc gây thiệt hại lớn cho ngành công nghiệp nội địa Hoa Kỳ; (2) ngăn cản sự hình thành ngành công nghiệp đó; hoặc hạn chế hoặc độc quyền hóa thương mại ở Hoa Kỳ. Tẩy chay tập thể, câu kết định giá, định giá chiếm đoạt, dán nhãn hàng không đúng, quảng cáo không đúng có thể coi là những hình thức cạnh tranh không công bằng hoặc hành vi nhập khẩu không công bằng.  

    Mục 337 cũng cấm nhập khẩu hoặc bán những mặt hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ theo Mục này gồm bằng sáng chế, thương hiệu, bản quyền, nguyên lý hoạt động của sản phẩm vi mạch bán dẫn.

    USITC có trách nhiệm điều tra theo Mục 337 khi có đơn khiếu nại của ngành công nghiệp hoặc do chính USITC chủ động tiến hành nếu thấy có hiện tượng vi phạm mục này. Theo qui định của Luật, USITC khá được tự do trong việc quyết định hình thức hoặc hành vi nào được coi là không công bằng. Theo Luật về các Hiệp định Vòng Uruguay, không còn thời hạn cố định cho việc điều tra theo Mục 337. Tuy nhiên, trong vòng 45 ngày kể từ khi bắt đầu điều tra USITC phải định ngày kết thúc điều tra trong thời gian sớm nhất có thể.

    Nếu USITC xác định hàng nhập khẩu phạm qui định của Mục 337, USITC có thể ra lệnh cấm không cho bên vi phạm nhập khẩu những sản phẩm vi phạm vào Hoa Kỳ. Khi cần thiết, USITC có quyền cấm nhập khẩu tất cả hàng vi phạm không phân biệt người nhập khẩu là ai. Đối với những trường hợp vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ thì không cần phải tiến hành điều tra thiệt hại.

    Trong quá trình điều tra, nếu có đủ lý do để tin rằng có vi phạm, USITC có thể ra lệnh cấm nhập khẩu tạm thời. Tuy có lệnh cấm nhập tạm thời, song người nhập khẩu vẫn có thể tiếp tục nhập khẩu với điều kiện phải đặt cọc tiền ở mức do USITC quyết định đủ để bảo vệ cho người khiếu nại khỏi bị thiệt hại. Nếu sau đó USITC xác định không có vi phạm thì tiền đặt cọc được hoàn trả cho bên bị kiện.

    Ngoài lệnh cấm nhập hoặc thay cho lệnh cấm nhập, USITC có thể yêu cầu các bên vi phạm phải ngừng và chấm dứt những hoạt động kinh doanh không công bằng. USITC cũng có thể ra lệnh ngừng-và-chấm dứt tạm thời trong khi chờ đợi kết quả điều tra. Bên vi phạm lệnh ngừng và chấm dứt phải chịu phạt dân sự tới mức 100.000 USD/ngày, hoặc bằng hai lần trị giá nội địa của những hàng hóa được nhập khẩu hoặc bán, tùy thuộc trị giá nào lớn hơn.

    USITC cũng có thể ra lệnh yêu cầu tịch thu hàng nhập khẩu vi phạm Mục 337. Điều khoản tịch thu hàng chỉ áp dụng trong trường hợp chủ hàng hoặc người nhập khẩu trước đó đã có ý định nhập khẩu mặt hàng đó, và đã được thông báo nếu tiếp tục nhập nữa thì hàng sẽ bị tịch thu.   

    Tổng thống có thể hủy bỏ lệnh của USITC trong vòng 60 ngày kể từ khi nhận được thông báo của USITC vì “những lý do chính sách”. Luật không qui định những lý do chính sách này cụ thể là gì. Nếu Tổng thống không phủ quyết thì quyết định của USITC trở thành quyết định cuối cùng. Các bên bị ảnh hưởng bởi quyết định cuối cùng của USITC có thể khiếu nại lên Tòa án Phúc thẩm Liên bang phụ trách khu vực.

  • Bộ Công Thương
  • Cục Xúc Tiến Thương Mại
  • Phòng thương mại Việt Nam
  • Vietnam Value