• Điều tra bán phá giá và trợ giá, và áp thuế

    2/4/2008 3:55:00 AM

    Phần này sẽ giới thiệu tóm tắt qui trình và thủ tục khởi kiện và điều tra, và những việc các doanh nghiệp nước ngoài bị kiện cần phải làm cho cả trường hợp điều tra chống bán phá giá và điều tra chống trợ giá vì chúng tương tự như nhau.

      Khởi kiện

    Bên khởi kiện có thể là:

    (1) Một nhà chế tạo, sản xuất, hoặc bán buôn sản phẩm tương tự ở Mỹ;

    (2) Một tổ chức hoặc nhóm công nhân được xác nhận hoặc công nhận là đại diện cho ngành công nghiệp bị ảnh hưởng;

    (3) Một hiệp hội ngành nghề hoặc kinh doanh với phần lớn các hội viên sản xuất sản phẩm tương tự;

    (4) Một liên minh các công ty, công đoàn hoặc hiệp hội kinh doanh;

    (5) Một liên minh hoặc hiệp hội ngành nghề đại diện những người chế biến, hoặc người chế biến và gieo trồng trong trường hợp liên quan đến sản phẩm nông nghiệp chế biến. DOC có trách nhiệm hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp nhỏ để họ có thể chuẩn bị nội dung và nộp đơn khởi kiện.

    Tính đại diện của bên kiện

    Các đơn kiện theo luật chống bán phá giá và luật chống trợ giá phải được đệ trình đồng thời lên DOC và USITC. Trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận đơn DOC phải xem xét và quyết định đơn có đủ tính đại diện để tiến hành điều tra hay không. Đơn kiện được coi là đủ tính đại diện nếu:

    (1) Các nhà sản xuất nội địa hoặc công nhân ủng hộ kiện chiếm ít nhất 25% tổng sản lượng ngành công nghiệp nội địa tương tự (trong trường hợp phần còn lại không có ý kiến ủng hộ hoặc phản đối); và

    (2) Trong trường hợp bản thân ngành công nghiệp nội địa tương tự có cả ý kiến ủng hộ lẫn ý kiến phản đối kiện thì số các nhà sản xuất nội địa hoặc công nhân ủng hộ kiện phải chiểm trên 50% tổng sản lượng của ngành công nghiệp đó.

    Nếu quan điểm của ban lãnh đạo công ty trái ngược với quan điểm của công nhân thì sản lượng của công ty đó được xếp vào dạng không ủng hộ mà cũng không phản đối. DOC sẽ tiến hành thăm dò ý kiến ngành công nghiệp nếu như đơn kiện không đáp ứng được yêu cầu thứ 2 nói trên. Trong trường hợp này, DOC có 40 ngày để cân nhắc và quyết định có tiến hành điều tra hay không.

    Tính đại diện của đơn kiện có thể không bị khiếu nại sau khi đã tiến hành điều tra, nhưng sau đó có thể bị khiếu nại ở tòa án.

    Nếu DOC không chấp nhận tính đại diện của đơn kiện, đơn kiện sẽ bị trả lại và vụ kiện coi như chấm dứt. Trên thực tế, rất hiếm có trường hợp DOC không chấp nhận đơn kiện. DOC khuyến khích bên kiện nộp bản thảo hồ sơ kiện để DOC xem xét không chính thức trước khi bên kiện chính thức nộp hồ sơ kiện. Vì DOC đã chỉ ra cho bên kiện biết trước những thiếu sót kỹ thuật hoặc những phần cần phải bổ sung thêm thông tin, nên hồ sơ kiện gần như luôn luôn được chấp nhận khi chính thức được nộp cho DOC và USITC.

     

    Trong vụ kiện 6 nước bán phá giá tôm đông lạnh và tôm đóng hộp vào Hoa Kỳ (trong đó có Việt Nam) do Liên minh tôm miền nam Hoa Kỳ (SSA) khởi kiện ngày 31 tháng 12 năm 2003, mặc dù Hiệp hội những người đánh bắt tôm Bang Louisiana phản đối và đòi đưa cả tôm tươi sống vào diện điều tra, song DOC vẫn công nhận tính đại diện của đơn kiện của SSA và đã không tiến hành thăm dò ý kiến ngành công nghiệp.

     

     Các công ty nước ngoài bị kiện thường suy nghĩ liệu có thể làm gì để khuyến khích hoặc thuyết phục DOC không khởi xướng điều tra. Rất tiếc là khó có thể làm được gì. Luật Hoa Kỳ cấm DOC tiếp xúc với bên có thể bị kiện trước khi khởi xướng điều tra. Mặc dù tiếp xúc với các cơ quan khác của Hoa Kỳ (ví dụ như Văn phòng USTR) được pháp luật cho phép, song cũng gần như không thể thuyết phục được các cơ quan đó giúp đỡ được gì trong những giai đoạn trước khi điều tra. Do vậy, nếu bên kiện đã nộp hồ sơ, thì các công ty nước ngoài sẽ chẳng có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chờ DOC sẽ tất yếu khởi xướng điều tra.

    Khởi xướng điều tra không ảnh hưởng ngay đến kinh doanh. Nhập khẩu có thể tiếp tục bình thường, không phải đặt cọc hoặc nộp thuế chống phá giá hoặc thuế chống trợ giá. Tuy nhiên, khởi xướng điều tra chính thức cũng báo động với các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ và các nhà xuất khẩu nước ngoài về rủi ro phải nộp thuế chống phá giá hoặc thuế chống trợ giá sau này.

    Tự khởi xướng điều tra

     Như đã nói ở phần đầu chương này, DOC có thể tự khởi xướng điều tra theo Luật chống phá giá hoặc Luật chống trợ giá mà không cần có đơn kiện của các tổ chức nói trên, nếu DOC thấy có lý do chính đáng.     

     Thời hạn điều tra

    Điều tra và kết luận sơ bộ của USITC

    Trong vòng 45 ngày kể từ  ngày DOC tự khởi xướng điều tra hoặc từ ngày nhận được đơn kiện, hoặc trong vòng 25 ngày sau ngày ITC nhận được thông báo của DOC về quyết định khởi xướng điều tra trên cơ sở có đơn kiện nếu DOC đã gia hạn thời hạn quyết định khởi xướng điều tra để thăm dò ý kiến ngành công nghiệp nhằm quyết định tính đại diện của đơn kiện, USITC phải kết luận sơ bộ có hay không thiệt hại vật chất hoặc đe dọa gây thiệt hại vật chất đối với ngành công nghiệp liên quan của Hoa Kỳ. Trong bất kể trường hợp nào USITC cũng phải công bố kết luận sơ bộ vào những thời hạn nói trên và không thể gia hạn.

    Nếu USITC đánh giá ngành công nghiệp liên quan của Hoa Kỳ không bị thiệt hại vật chất hoặc không bị đe dọa thiệt hại vật chất thì cuộc điều tra sẽ chấm dứt. Tiêu chuẩn bằng chứng trong kết luận sơ bộ về thiệt hại khá thấp. Bên kiện chỉ cần đưa ra những “tín hiệu có lý” chứng minh ngành công nghiệp của họ đã bị thiệt hại vật chất hoặc bị đe dọa thiệt hại vật chất. Do vậy, trong những năm qua, chỉ có khoảng 15% số vụ kiện được USITC kết luận sơ bộ là không có thiệt hại vật chất hoặc đe dọa thiệt hại vật chất.

    Trong cả giai đoạn điều tra sơ bộ cũng như giai đoạn điều tra cuối cùng USITC phải trả lời 4 câu hỏi lớn là:

    (1)     Những sản phẩm nào sản xuất ở Hoa Kỳ “tương tự” (like) như những sản phẩm nhập khẩu bị điều tra?

    (2)     Ngành công nghiệp trong nước sản xuất những sản phẩm tương tự gồm những công ty nào?

    (3)     Ngành công nghiệp trong nước này hiện có bị thiệt hại vật chất hay không?

    (4)     Nhập khẩu có phải là nguyên nhân gây ra thiệt hại vật chất mà ngành công nghiệp này đang phải chịu đựng hay không?

    Luật chống phá giá và Luật chống trợ giá không qui định cụ thể các tiêu chuẩn “tương tự”, song USITC thường căn cứ vào 6 yếu tố do Tòa án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ đưa ra (án lệ). Những yếu tố này là:

    (1)     Có những tác dụng thay thế cho nhau;

    (2)     Có hình thù bên ngoài tương tự như nhau;

    (3)     Được sản xuất bằng những phương pháp chung;

    (4)     Được tiêu thụ thông qua hệ thống phân phối chung;

    (5)     Giá cả tương tự nhau;

    (6)     Người tiêu dùng có quan niệm là hàng hóa tương tự nhau. 

    Nếu USITC xác định nhập khẩu có gây thiệt hại vật chất hoặc có đe dọa gây thiệt hại vật chất thì DOC sẽ phải điều tra để đánh giá sơ bộ xem có trợ giá hoặc phá giá hay không. Kết luận sơ bộ này của USITC chưa có ảnh hưởng trực tiếp đến kinh doanh. Nhập khẩu có thể tiếp tục bình thường, không phải đặt cọc, hoặc nộp thuế chống phá giá hoặc thuế chống trợ giá. Tuy nhiên, cũng giống như khởi xướng điều tra của DOC, kết luận sơ bộ của USITC cũng báo động thêm với các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ và các nhà xuất khẩu nước ngoài về rủi ro phải nộp thuế sau này.

    Thủ tục điều tra và kết luận sơ bộ về thiệt hại đơn giản và nhanh chóng. Khoảng một tuần sau khi nhận hồ sơ kiện, USITC đăng trên công báo lịch điều tra và kết luận sơ bộ. USITC tổ chức phiên điều trần để nghe ý kiến của các bên, tại đó chỉ có các nhân viên của USITC tham dự. Các uỷ viên USITC - những người có quyền quyết định cuối cùng - không tham dự phiên điều trần này. Tại phiên điều trần này các bên sẽ cung cấp các chứng lý và thông tin mà họ thấy có ích cho quyết định của USITC. USITC gửi câu hỏi cho các thành viên trong ngành công nghiệp trong nước, các nhà nhập khẩu những mặt hàng bị điều tra, và các nhà xuất khẩu nước ngoài để thu thập thông tin cần thiết cho quá trình điều tra. Do hạn chế về thời gian, nên chất lượng và khối lượng thông tin thu thập được phục vụ cho kết luận sơ bộ về thiệt hại thường hết sức hạn chế.

    Mặc dù cơ hội giành thắng lợi trong giai đoạn này đối với các công ty nước ngoài rất nhỏ, song có hai lý do quan trọng đòi hỏi các công ty nước ngoài tham gia tích cực vào quá trình điều tra và kết luận sơ bộ của USITC. Một là, đôi khi các ngành công nghiệp trong nước nộp hồ sơ kiện có những lỗi cơ bản mà các công ty nước ngoài có thể giúp chỉ ra cho USITC thấy. Ví dụ, năm 2002 một công ty Hoa Kỳ đã nộp đơn kiện chống bán phá giá mặc dù chính công ty đó là một trong những nhà nhập khẩu lớn nhất mặt hàng bị kiện. USITC đã kết luận sơ bộ dẫn đến chấm dứt vụ kiện. Cơ hội giành thắng lợi có thể nhỏ, song những lợi ích do chấm dứt được vụ kiện ở giai đoạn này cũng đáng cố gắng.

    Hai là, thậm chí vụ kiện có thể tiếp tục sau giai đoạn kết luận sơ bộ về thiệt hại của USITC, song nhiều vụ kiện chống bán phá giá có thể bị thất bại ở giai đoạn điều tra và kết luận cuối cùng của USITC. Trong những năm vừa qua, có khoảng 30 - 40% vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ giá được USITC kết luận cuối cùng là không gây thiệt hại hoặc không đe dọa gây thiệt hại. Nếu tham gia tích cực vào những giai đoạn đầu của quá trình điều tra, các nhà xuất khẩu nước ngoài có thể hướng cho USITC xem xét các vấn đề một cách có lợi cho mình và do vậy tăng được cơ hội giành thắng lợi sau này khi USITC tiến hành điều tra chi tiết ở giai đoạn cuối cùng.

    Một điểm đáng chú ý đối với các công ty nước ngoài là những kết luận sơ bộ và cuối cùng của USITC là dựa trên toàn bộ khối lượng nhập khẩu từ nước xuất khẩu bị kiện chứ không phải có những kết luận riêng cho từng công ty. Do vậy, các công ty nước ngoài có hàng xuất khẩu vào Hoa Kỳ bị kiện cần phải hợp tác chặt chẽ với nhau trong các nỗ lực bảo vệ lợi ích của mình trong các giai đoạn điều tra của USITC. 

     Điều tra và kết luận sơ bộ của DOC

    Ngay sau khi quyết định khởi xướng điều tra, DOC sẽ gửi các câu hỏi chi tiết cho các công ty nước ngoài sản xuất và xuất khẩu mặt hàng thuộc diện điều tra (đối với trường hợp điều tra chống phá giá) hoặc chính phủ nước ngoài (đối với trường hợp điều tra chống trợ giá) để thu thập thông tin phục vụ điều tra.

    Các câu hỏi trong trường hợp điều tra chống phá giá yêu cầu cung cấp thông tin chung và tập quán bán hàng của công ty (Phần A), các thông tin về tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang các nước khác (Phần B), và xuất khẩu sang Hoa Kỳ (Phần C). Câu hỏi của DOC đôi khi cũng hỏi thông tin về chi phí sản xuất mặt hàng thuộc diện điều tra (Phần D) và giá trị tính toán (Phần E). Tất cả những thông tin này cần thiết giúp cho DOC so sánh giữa “giá xuất vào Hoa Kỳ” và “giá trị thị trường nước ngoài” (giá trị thông thường hoặc là giá bán ở thị trường nội địa nước xuất khẩu hoặc là giá xuất khẩu sang các thị trường khác ngoài Hoa Kỳ). Sự so sánh này sẽ đưa đến kết luận có bán phá giá vào Hoa Kỳ hay không. Các câu hỏi của DOC rất chi tiết và đòi hỏi rất nhiều thông tin được cung cấp theo mẫu biểu cụ thể trên máy tính. Các câu hỏi này đã được tiêu chuẩn hóa và rất ít thay đổi. Các câu hỏi tiêu chuẩn này được đăng tải trên trang web của DOC tại địa chỉ www.ita.doc.gov/.

    Các câu hỏi phần A

                Phần A bao gồm 10 loại câu hỏi:

    ·Số lượng và trị giá bán hàng đang bị điều tra của công ty tại các thị trường khác nhau gồm cả thị trường Hoa Kỳ, thị trường nội địa và các thị trường thứ 3. Câu hỏi này cũng yêu cầu tách bạch giữa bán cho khách hàng có liên kết và khách hàng độc lập.

    ·Cơ cấu và quan hệ liên kết của công ty. Câu hỏi này yêu cầu cung cấp thông tin về cơ cấu tổ chức của công ty và quan hệ với công ty liên kết (nếu có) liên quan đến sản xuất hoặc bán hàng đang bị điều tra.

    ·Qui trình phân phối. Câu hỏi này yêu cầu cung cấp và giải thích sơ đồ qui trình bán và giao hàng đang bị điều tra cho các khách hàng ở từng thị trường. Câu hỏi này cũng nhằm thu thập các thông tin chung về các loại khách hàng khác nhau (ví dụ: khách hàng là người sử dụng cuối cùng hay là người phân phối) và loại hoạt động bán hàng ở từng thị trường.

    ·Qui trình bán hàng. Câu hỏi này yêu cầu giải thích chi tiết (theo trật tự xẩy ra) về cách bán hàng bị điều tra ở từng thị trường, đặc biệt là qui trình mà công ty sử dụng để đàm phán giá với khách hàng.

    ·Bán hàng cho các công ty liên kết ở thị trường nước ngoài. Câu hỏi này nhằm thu thập thêm thông tin về việc bán hàng cho các công ty liên kết, và đặc biệt là các công ty liên kết đó sử dụng hay bán lại các hàng hóa đang bị điều tra.

    ·Các tập quán kế toán và tài chính. Câu hỏi này nhằm thu thập thông tin về các tập quán kế toán và tài chính của bị đơn và yêu cầu bị đơn cung cấp bản sao báo cáo tài chính gần nhất của công ty.

    ·Hàng hóa. Câu hỏi này yêu cầu miêu tả chi tiết các loại hàng hóa đang bi điều tra được bán ở từng thị trường. Câu hỏi này cũng yêu cầu cung cấp thông tin về qui trình sản xuất dùng để sản xuất ra hàng hóa đang bị điều tra và yêu cầu giải thích đầy đủ về hệ thống mã sản phẩm của công ty.

    ·Sản xuất hoặc lắp ráp tiếp tại Hoa Kỳ. Câu hỏi này yêu cầu cho biết hàng hóa thuộc diện điều tra giao cho công ty liên kết ở Hoa Kỳ có được chế biến tiếp trước khi bán cho khách hàng ở Hoa Kỳ hay không. Nếu có, DOC sẽ sử dụng phương pháp đặc biệt để tính biên phá giá.

    ·Xuất khẩu thông qua các nước trung gian. Câu hỏi này yêu cầu bị đơn cho biết có biết trường hợp nào hàng thuộc diện điều tra được chuyển qua một nước thứ 3 trước khi được xuất khẩu vào Hoa Kỳ hay không.

    ·Bán hàng thuộc diện điều tra do nhà sản xuất độc lập cung cấp. Câu hỏi này dành cho các công ty không sản xuất hàng hóa thuộc diện điều tra mà chỉ xuất khẩu hàng do công ty khác sản xuất.

    Phần trả lời những câu hỏi trên thông thường dài khoảng 15 – 20 trang không kể các phụ lục kèm theo. Điều quan trọng nhất cần lưu ý là sự nhất quán giữa những thông tin cung cấp trong phần trả lời này với những thông tin cung cấp trong các phần trả lời sau.

     Các câu hỏi phần , C, và E

    Trọng tâm của các phần B và C là yêu cầu bị đơn chuẩn bị các cơ sở dữ liệu bán hàng rất chi tiết và máy tính hóa. DOC sẽ dùng các cơ sở dữ liệu này để tính biên phá giá của bị đơn. Về cơ bản, DOC yêu cầu liệt kê từng chuyến hàng thuộc diện điều tra giao cho các khách hàng ở từng thị trường cụ thể (đối với khách hàng ở Hoa Kỳ là phần C, đối với khách hàng nội địa hoặc ở nước so sánh là phần B). Ngoài ra, đối với mỗi giao dịch, bị đơn phải cung cấp rất nhiều số liệu về đặc tính riêng của sản phẩm và tất cả các chi phí bán hàng phát sinh trong bán và giao hàng cho khách hàng.

    Bảng câu hỏi phần E được áp dụng trong trường hợp sản phẩm bị điều tra sau khi xuất sang Hoa Kỳ được chế biến hoặc gia công thêm bởi một công ty ở Hoa Kỳ có liên kết với nhà xuất khẩu.

    Đối với mỗi chuyến giao dịch DOC cần 3 loại số liệu: (1) số liệu giá bán thực tế; (2) số liệu về các đặc tính vật chất của hàng hóa và số lượng; và (3) số liệu về các loại chi phí bán hàng và hoàn cảnh bán hàng để tính điều chỉnh giá thích hợp.

     Các câu hỏi phần D

    Các câu hỏi phần D nhằm thu thập thông tin và số liệu chi tiết về chi phí sản xuất để xác định giá trị thông thường của sản phẩm đang bị điều tra. Các bị đơn bắt buộc ở các nước có nền kinh tế thị trường sẽ phải trả lời bảng câu hỏi này nếu DOC quyết định điều tra chi phí sản xuất để xác định xem giá bán ở thị trường nội địa nước bị kiện hoặc giá bán sang nước thứ ba có thấp hơn chi phí sản xuất hay không. Nếu có, trên cơ sở kết quả điều tra chi phí sản xuất, DOC sẽ xác định giá trị thông thường của hàng hóa và so sánh giá trị này với giá xuất khẩu sang Hoa Kỳ để xác định biên phá giá. Các bị đơn bắt buộc cũng sẽ phải trả lời Phần D trong trường hợp hàng hóa đang bị điều tra không bán ở thị trường nội địa nước bị kiện hoặc không được bán sang nước thứ ba.

    Đối với những nước bị kiện bị coi là có nền kinh tế phi thị trường (NME) như Việt Nam hiện nay, do quan niệm giá cả không phản ánh đúng các điều kiện thị trường thực tế, nên DOC sẽ luôn sử dụng giá trị thông thường dựa trên các yếu tố sản xuất để so sánh với giá xuất khẩu sang Hoa Kỳ để xác định biên phá giá. Do vậy, các bị đơn ở những nước này luôn phải trả lời bảng câu hỏi Phần D và không phải trả lời bảng câu hỏi Phần B. Do giá mà DOC áp dụng để tính chi phí các yếu tố đầu vào của hàng hóa sản xuất ở các nước NME là giá trị thay thế, cho nên Phần D dành cho NME không hoàn toàn giống phần D dành cho các công ty ở nền kinh tế thị trường. Phần D dành cho NME thông thường có những nội dung sau:

    ·         Các câu hỏi về qui trình sản xuất và sản phẩm (các cơ sở sản xuất hàng hoá bị điều tra, chi tiết qui trình sản xuất, sơ đồ qui trình, kỹ thuật từng giai đoạn sản xuất, tổng số lượng hàng hóa đang bị điều tra của từng cơ sở trong giai đoạn điều tra, các loại sản phẩm mà công ty sản xuất...)

    ·         Các yếu tố đầu vào mua từ nền kinh tế thị trường. Mục này yêu cầu liệt kê tất cả các yếu tố đầu vào kể cả vật liệu đóng gói và dịch vụ mua từ các nhà cung ứng ở nền kinh tế thị trường và được thanh toán theo giá thị trường, và giá thực tế đã thanh toán. Mục này cũng yêu cầu cho biết những yếu tố đầu vào đó được mua từ nước có kinh tế thị trường nào và thanh toán bằng đồng tiền nào, chi tiết giao dịch, tỷ lệ phần trăm mua từ các nhà cung cấp ở nền kinh tế thị trường và tỷ lệ phần trăm mua từ các nhà cung cấp ở nước NME.

    ·         Các thông tin và số liệu về loại và số/khối lượng yếu tố đầu vào cho mỗi đơn vị sản phẩm như: nguyên liệu kể cả phần tiết kiệm được do tái sinh, phương tiện dùng để vận chuyển nguyên liệu, khoảng cách vận chuyển từ nơi cung cấp đến nhà máy...; lao động gồm lao động không lành nghề, lao động lành nghề, lao động gián tiếp; nhiên liệu như điện, nước, ga, than...; số/khối lượng sản phẩm phụ trên một đơn vị sản phẩm bị điều tra; các vật liệu đóng gói kể cả mô tả phương pháp đóng gói hàng giao đi Hoa Kỳ, v.v.

    Bảng câu hỏi Phần D khá phức tạp, và đòi hỏi nhiều thông tin và số liệu chi tiết. Công ty mới bị điều tra lần đầu thường gặp rất nhiều khó khăn ở phần này. Trong vụ kiện tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, Phần D rõ ràng là phần khó nhất mà các bị đơn bắt buộc phải trả lời và, sau đó, phải xác thực trong quá trình thẩm tra của DOC. Thực tế là một trong 4 bị dơn bắt buộc đã không xác thực được trả lời của mình một phần là do những khó khăn liên quan đến Phần D. Kết quả là doanh nghiệp này đã phải chịu mức thuế chống phá giá toàn quốc dự tính trong kết luận cuối cùng của DOC là 25,76%, trong khi đó mức thuế riêng rẽ đối với 3 bị đơn bắt buộc khác là 4,13%, 4,21%, và 4,99%; và mức thuế riêng rẽ áp cho các bị đơn tự nguyện được hưởng mức thuế này là 4,38%.

      Do không thể điều tra hết các công ty nước ngoài, nên DOC thường chỉ định một số ít bị đơn bắt buộc (thường là những công ty có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất vào Hoa Kỳ). Các bị đơn bắt buộc ở nền kinh tế thị trường sẽ phải trả lời các câu hỏi Phần A, Phần B, Phần C, Phần D (trong trường hợp DOC quyết định điều tra chi phí sản xuất), và Phần E (trong trường hợp hàng được chế biến tiếp bởi các công ty liên kết ở Hoa Kỳ). Các bị đơn bắt buộc ở các nước NME sẽ phải trả lời các câu hỏi Phần A, Phần C, Phần D, và Phần E (trong trường hợp hàng được chế biến tiếp bởi các công ty liên kết ở Hoa Kỳ).

    Tuy nhiên, các công ty khác ở nước bị kiện có thể tự nguyện trả lời Phần A và Phần B để có thể được hưởng thuế suất riêng rẽ (separate rate) thường thấp hơn mức thuế chung toàn quốc (country-wide rate). Các bị đơn tự nguyện ở các nước NME chỉ phải trả lời Phần A và không phải trả lời Phần B. Hiện nay, DOC đang dự kiến sửa đổi các qui định nhằm thắt chặt điều kiện được hưởng thuế suất riêng rẽ đối với các công ty ở các nước NME.

    Vì tất cả các phần trả lời đều có quan hệ với nhau; do vậy, các bị đơn nên chuẩn bị trả lời tất cả các phần cùng một lúc để đảm bảo sự nhất quán và tránh thông tin mâu thuẫn giữa các phần.

    Trong trường hợp điều tra chống trợ giá, các câu hỏi sẽ khác ở hai mặt. Một là, các câu hỏi rất chi tiết được gửi đến chính phủ nước bị kiện để hỏi về các chương trình trợ cấp bị cáo buộc, và các vấn đề kinh tế có thể có ảnh hưởng đến việc đánh giá những chương trình trợ cấp đó có thuộc diện trợ cấp không được phép hay không. Hai là, các nhà xuất khẩu nước ngoài cũng nhận được các câu hỏi của DOC tập trung vào việc sử dụng các chương trình đó và các câu hỏi chung về công ty chứ không phải nhằm xem xét giá và chi phí của từng giao dịch một như trong trường hợp điều tra chống bán phá giá.

    Trong cả hai trường hợp, các câu hỏi của DOC phải được trả lời trong vòng 30 đến 45 ngày kể từ ngày nhận, trong đó thời hạn thông thường là 30 ngày và thông thường được gia hạn thêm 15 ngày. Gia hạn quá 45 ngày chỉ được xem xét trong những trường hợp có lý do xác đáng. Ngày nghỉ lễ quốc gia hoặc ngày kết thúc năm tài chính của công ty cũng có thể là lý do xác đáng để xin gia hạn trả lời quá 45 ngày.

    Sau khi nghiên cứu trả lời, DOC thường có thêm câu hỏi và yêu cầu trả lời bổ sung. Phản ứng của bên kiện cho rằng những thông tin bên bị đơn cung cấp không đầy đủ hoặc không chính xác cũng có thể dẫn đến bên bị đơn phải trả lời bổ sung trừ phi DOC không đồng ý với những phản ứng này.

    Chuẩn bị trả lời và bổ sung trả lời là những giai đoạn quan trọng nhất đối với các công ty nước ngoài trong quá trình bảo vệ mình trong vụ kiện. Mặc dù DOC được phép tiến hành thẩm tra trả lời trước khi đưa ra kết luận sơ bộ, song trên thực tế DOC hầu như chưa bao giờ làm việc này. DOC thường chỉ căn cứ vào những thông tin và số liệu mà các công ty nước ngoài cung cấp trong trả lời để so sánh và đưa ra kết luận sơ bộ. Do vậy, các công ty nước ngoài cần phải đầu tư nhiều thời gian và công sức để chuẩn bị trả lời đầy đủ và chính xác các câu hỏi của DOC.

    Trong trường hợp luật chống trợ giá, nếu DOC kết luận sơ bộ có trợ giá, thì Bộ này sẽ xác định một biên trợ giá cho từng hãng hoặc từng nước bị điều tra. Việc xác định này phải được hoàn thành trong vòng 65 ngày sau ngày kể từ ngày bắt đầu điều tra (85 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ kiện). Trong các trường hợp trợ giá ngược chiều (tức là trợ giá cho sản xuất đầu vào), thời hạn kết luận sơ bộ có thể kéo dài tới 250 ngày. Thời hạn kết luận sơ bộ có thể được rút ngắn nếu DOC nhận được đầy đủ thông tin trong vòng 50 ngày đầu, và các bên có văn bản miễn thẩm tra thông tin và cùng thoả thuận rút ngắn thời hạn kết luận sơ bộ. Ngược lại, thời hạn này cũng có thể được kéo dài đến 130 ngày kể từ ngày nộp đơn theo yêu cầu của bên kiện hoặc trong những trường hợp hết sức phức tạp.

    Trong trường hợp luật chống phá giá, sau khi đánh giá sơ bộ có phá giá, DOC sẽ tính toán biên phá giá bình quân – mức chênh lệch giữa giá trị thông thường và giá xuất khẩu của sản phẩm. Kết luận sơ bộ này phải hoàn thành trong vòng 140 ngày kể từ ngày bắt đầu điều tra (160 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ kiện). Thời hạn này có thể được rút ngắn xuống 90 ngày nếu DOC nhận được đầy đủ thông tin trong vòng 60 ngày đầu và các bên có văn bản miễn thẩm tra thông tin và cùng thỏa thuận rút ngắn thời gian điều tra và kết luận sơ bộ. Ngược lại, thời hạn này có thể kéo dài đến 190 ngày theo yêu cầu của bên kiện hoặc trong những trường hợp hết sức phức tạp.

    Ngày DOC công bố trên công báo kết luận sơ bộ có bán phá giá hoặc có trợ giá có ý nghĩa về mặt pháp lý vì Hải quan Hoa Kỳ sẽ “đình chỉ thanh lý hải quan” đối với những lô hàng nhập khẩu sau ngày đó. Cũng kể từ ngày này, Hải quan bắt đầu yêu cầu người nhập khẩu sản phẩm bị điều tra phải đặt cọc bond nhập khẩu hoặc tiền mặt với Hải quan Hoa Kỳ cam kết sẽ nộp thuế chống phá giá hoặc thuế chống trợ giá.

    Cũng tương tự như L/C do ngân hàng phát hành cam kết thay mặt người mua trả tiền cho người bán, bond nhập khẩu do công ty bảo hiểm hoặc bảo lãnh tài chính phát hành cam kết pháp lý sẽ thay mặt công ty nhập khẩu thanh toán tất cả các khoản thuế hải quan, tiền phạt hải quan, và các phí hải quan khác trong trường hợp công ty nhập khẩu không trả được và ngay cả trong trường hợp công ty nhập khẩu bị phá sản. Sau khi nhận được đơn xin phát hành bond của công ty nhập khẩu, công ty phát hành bond sẽ tiến hành kiểm tra tình hình tài chính của đương đơn và chỉ phát hành bond nếu thấy đương đơn ổn định về tài chính. Cũng giống như người nhập khẩu phải trả phí mở L/C cho ngân hàng, đương đơn xin phát hành bond phải trả phí cho công ty phát hành. Các nhà nhập khẩu không đủ uy tín để được phát hành bond sẽ phải đặt cọc tiền mặt cho Hải quan.

    Do thực tế trong mấy năm gần đây mức thuế chống phá giá thực phải nộp của một số mặt hàng nông thuỷ sản cao hơn rất nhiều so với mức thuế công bố trong kết luận cuối cùng của DOC (ví dụ, thuế chống phá giá thực tế phải nộp đối với crawfish nhập từ Trung quốc là 230% trong khi đó mức thuế dự tính trong kết luận cuối cùng của DOC chỉ là 90%), nên ngày 9/7/2004 Hải quan Hoa Kỳ đã sửa đổi qui định về đặt cọc bond liên tục (continuous bond), theo đó các giám đốc hải quan các cửa khẩu phải xem xét ngay việc yêu cầu tăng trị giá bond đối với các mặt hàng nông thuỷ sản chịu thuế chống phá gía. Qui định mới này chắc chắn sẽ gây thêm khó khăn và tăng thêm chi phí nhập khẩu đối với các mặt hàng bị áp thuế chống phá gía, nhất là đối với các nhà nhập khẩu nhỏ và đặc biệt là các nhà nhập khẩu mới (chưa có kim ngạch từ năm trước) vì những công ty này thường phải chịu tỷ lệ đặt bond cao hơn. Qui định mới này ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ và cũng ảnh hưởng gián tiếp tới các doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài.

    Hiện nay, tại Hoa Kỳ còn nhiều tranh cãi xung quanh tính hợp pháp của qui định mới này cũng như quyền hạn của Hải quan trong việc đưa ra qui định đó; tuy vậy, qui định mới này vẫn sẽ được thực hiện.

    Mức thuế dự tính công bố trong kết luận sơ bộ của DOC là mức thuế trần mà các nhà nhập khẩu sẽ phải nộp cho những lô hàng nhập khẩu trong khoảng thời gian từ ngày kết luận sơ bộ đến ngày kết luận cuối cùng có bán phá giá hoặc có trợ giá. Điều này có nghĩa là nếu mức thuế cuối cùng thấp hơn mức thuế sơ bộ thì những lô hàng nhập khẩu trong khoảng thời gian nói trên được hưởng mức thuế công bố trong kết luận cuối cùng của DOC; nếu mức thuế cuối cùng cao hơn mức thuế sơ bộ thì những lô hàng nhập khẩu trong thời gian nói trên chỉ phải chịu mức thuế sơ bộ.

    Nếu DOC kết luận sơ bộ là không có phá giá hoặc trợ giá, thì các doanh nghiệp nhập khẩu không phải đặt cọc bond hoặc tiền mặt với Hải quan, và có thể tiếp tục nhập khẩu hàng bị điều tra vào Hoa Kỳ mà không bị rủi ro trách nhiệm nộp thuế cho đến khi có kết luận cuối cùng của DOC. Mặc dù kết luận sơ bộ của DOC là không có phá giá hoặc trợ giá, song quá trình điều tra vẫn tiếp tục. Nếu kết luận cuối cùng của DOC vẫn là không có bán phá giá hoặc trợ giá, thì vụ kiện sẽ chấm dứt.

    Nếu biên phá giá bình quân gia quyền từ 2,0% trở lên đối với trường hợp bán phá giá và 1,0% trở lên đối với trường hợp trợ giá thì DOC sẽ kết luận có bán phá giá hoặc có trợ giá. Nguyên tắc này được áp dụng trong cả kết luận sơ bộ và kết luận cuối cùng của DOC. Riêng trong trường hợp trợ giá (ưu đãi này không áp dụng đối với điều tra bán phá giá), đối với các nước được USTR công nhận là nước đang phát triển, nếu biên độ trợ giá nhỏ hơn 2% (đối với các nước đang phát triển) hoặc 3% (đối với các nước chậm phát triển) thì DOC cũng kết luận là không có trợ giá. Tuy nhiên, qui tắc đặc biệt này chỉ áp dụng đối với các điều tra gốc và không được áp dụng đối với xem xét lại hàng năm sau khi thuế chống trợ giá đã được áp dụng.

    Kết luận sơ bộ của DOC có thể có sai sót trong tính toán. DOC quan niệm rằng đây chỉ là kết luận sơ bộ nên không cần phải sửa sai ngay mà để lại sửa trong giai đoạn điều tra và kết luận cuối cùng. Mặc dù kết luận sơ bộ có giá trị pháp lý (kể từ ngày công bố kết luận sơ bộ Hải quan sẽ ngừng thanh lý hải quan cho các lô hàng nhập khẩu sau đó), song DOC vẫn hiếm khi chịu sửa sai ngay. Ít nhất đã có một trường hợp nếu DOC chịu sửa sai ngay thì kết luận sơ bộ đã thay đổi từ có bán phá giá thành không có bán phá giá. DOC thường chỉ chấp nhận xem xét sửa đổi biên phá giá sơ bộ nếu như sai sót trong tính toán của DOC được coi là “đáng kể” có ảnh hưởng dẫn đến tăng hoặc giảm biên phá giá từ 5 điểm % trở lên (ví dụ biên phá giá 30% tăng thêm 5 điểm % là 35% hoặc giảm 5 điểm % là 25%), và thay đổi biên phá giá từ 25% trở lên (ví dụ biên phá giá 30% tăng 25% là 30% + (30 x 25%) = 37,5% hoặc giảm 25% là 30% - (30 x 25%) = 22,5%). (còn tiếp)

  • Bộ Công Thương
  • Cục Xúc Tiến Thương Mại
  • Phòng thương mại Việt Nam
  • Vietnam Value