- Trang chủ
- Tin tức - Sự kiện
- Thị trường Hoa Kỳ
- Danh bạ doanh nghiệp
- Hội chợ, triển lãm
- Giới thiệu Thương vụ
- Liên hệ
- Địa chỉ hữu ích
- Từ khóa tìm kiếm
Luật thuế chống phá giá
2/4/2008 3:54:00 AMLuật thuế chống phá giá được sử dụng rộng rãi hơn luật thuế chống trợ giá. Thuế chống phá giá được áp dụng đối với hàng nhập khẩu khi nó được xác định là hàng nước ngoài được bán “phá giá” vào Hoa Kỳ, hoặc sẽ bán phá giá ở Hoa Kỳ với giá “thấp hơn giá trị thông thường”.
Luật thuế chống phá giá được sử dụng rộng rãi hơn luật thuế chống trợ giá. Thuế chống phá giá được áp dụng đối với hàng nhập khẩu khi nó được xác định là hàng nước ngoài được bán “phá giá” vào Hoa Kỳ, hoặc sẽ bán phá giá ở Hoa Kỳ với giá “thấp hơn giá trị thông thường”. Thấp hơn giá trị thông thường có nghĩa là giá xuất khẩu vào Hoa Kỳ thấp hơn giá bán của hàng hóa đó ở nước xuất xứ hoặc ở nước thứ 3 thay thế thích hợp.
Thuế chống phá giá được áp dụng khi có đủ hai điều kiện (1) DOC phải xác định hàng nước ngoài đang được bán phá giá hoặc có thể sẽ được bán phá giá ở thị trường Hoa Kỳ, và (2) USITC phải xác định hàng nhập khẩu được bán phá giá đang gây thiệt hại vật chất hoặc đe dọa gây thiệt hại vật chất hoặc ngăn cản hình thành ngành công nghiệp tương tự tại Hoa Kỳ.
Cũng giống như trường hợp luật thuế chống trợ giá, các thủ tục điều tra về bán phá giá được tiến hành khi có đơn khiếu kiện của một ngành công nghiệp hoặc do DOC tự khởi xướng.
Thuế chống bán phá giá sẽ được ấn định bằng mức chênh lệch giữa “giá trị thông thường” và mức giá xuất khẩu vào Hoa Kỳ. DOC sẽ xác định giá trị thôngthường của hàng nhập khẩu bằng một trong ba cách. Theo thứ tự ưu tiên là:
(1) Giá bán của hàng hóa tại thị trường nội địa,
(2) Giá bán hàng hóa sang thị trường thứ ba,
(3) “Giá trị tính toán” của hàng hóa bằng tổng chi phí sản xuất cộng với các khoản lợi nhuận, tiền hoa hồng bán hàng, và các chi phí hành chính khác như đóng gói.
“Giá trị tính toán” được coi là giá trị thông thường để tính biên phá giá khi giá bán ở thị trường nội địa hoặc giá bán sang nước thứ ba thấp hơn chi phí sản xuất hoặc hàng hóa đang bị điều tra không bán ở thị trường nội địa hoặc không được bán sang nước thứ ba.
Nếu từ hai nước trở nên bị kiện bán phá giá hoặc trợ giá, luật yêu cầu USITC đánh giá lũy tích số lượng và ảnh hưởng của các hàng nhập khẩu tương tự từ các nước bị kiện nếu chúng cạnh tranh với nhau và với sản phẩm tương tự của Hoa Kỳ trên thị trường Hoa Kỳ. Nếu hàng nhập khẩu từ một nước đang bị điều tra được coi là không đáng kể (thường được xác định là nhỏ hơn 3% tổng giá trị nhập khẩu của sản phẩm bị điều tra), việc điều tra nước đó sẽ được dừng lại. Cũng có những quy định miễn trừ áp dụng những quy tắc lũy tích ví dụ như việc áp dụng đối với các nước được hưởng ưu đãi của Sáng kiến Lòng chảo Caribê (CBI) và đối với Ixaren.
Luật chống phá giá còn cho phép các ngành công nghiệp Hoa Kỳ được khiếu nại về bán phá giá ở nước thứ ba. Ngành công nghiệp của Hoa Kỳ có thể đệ trình đơn khiếu nại lên USTR, trong đó phải giải thích tại sao việc bán phá giá ở nước thứ 3 lại gây thiệt hại cho các công ty của Hoa Kỳ và yêu cầu cơ quan này bảo vệ những quyền lợi của Hoa Kỳ theo quy định của WTO. Nếu USTR thấy khiếu nại có lý, họ sẽ đệ trình yêu cầu lên các cơ quan có thẩm quyền ở nước thứ ba đòi nước này phải thay mặt Hoa Kỳ tiến hành các biện pháp chống bán phá giá. DOC và USITC có trách nhiệm hỗ trợ USTR chuẩn bị nội dung yêu cầu.
Tương tự, theo Hiệp định Chống Phá giá trong khuôn khổ Vòng đàm phán Urugoay, chính phủ một nước thành viên WTO có thể đệ trình đơn kiến nghị với USTR yêu cầu mở một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với một sản phẩm nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ từ một nước thứ ba.
Đối với các nền kinh tế phi thị trường (NME)
DOC quan niệm sự can thiệp của chính phủ ở những nước có nền kinh tế phi thị trường đã làm các số liệu về chi phí sản xuất và giá cả không phản ánh đúng giá trị thông thường của sản phẩm. Do vậy, đối với những vụ kiện bán phá giá liên quan đến các công ty ở những nước này, DOC không sử dụng phương pháp so sánh giá-với-giá hoặc giá trị tính toán để xác định giá trị thông thường của sản phẩm. Thay vào đó, DOC sử dụng một phương pháp hoàn toàn khác gọi là phương pháp “Các yếu tố sản xuất” để “xây dựng” giá trị thông thường của sản phẩm.
Tiêu chí xác định qui chế kinh tế
Khi xem xét để quyết định kinh tế của nước bị kiện là kinh tế thị trường hay phi thị trường, DOC căn cứ vào 6 tiêu chí sau đây:
(1) Mức độ chuyển đổi của đồng tiền;
(2) Mức độ lương dựa trên cơ sơ thị trường;
(3) Mức độ cho phép đầu tư nước ngoài ở nước bị kiện;
(4) Mức độ chính phủ sử hữu và khống chế tư liệu sản xuất;
(5) Mức độ chính phủ quản lý về giá và phân bổ các nguồn lực; và
(6) Các yếu tố thích hợp khác.
Hiện nay, Việt Nam vẫn bị Hoa Kỳ coi là nền kinh tế phi thị trường. Lý do Hoa Kỳ đưa ra để giải thích cho quyết định này là mặc dù Việt Nam đã có những bước mở cửa thị trường đáng kể và cho phép có giới hạn qui luật cung cầu tác động tới sự phát triển kinh tế, song mức độ can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế vẫn còn ở mức làm cho giá cả và chi phí sản xuất không phải là thước đo thực sự đối với giá trị. Qui chế kinh tế này sẽ tiếp tục tồn tại và sẽ được áp dụng cho các vụ kiện chống bán phá giá mới và các đợt xem xét lại hàng năm cho đến khi có quyết định thay đổi của DOC.
Ngoài Việt Nam, một số nước khác cũng còn bị Hoa Kỳ coi là có nền kinh tế phi thị trường, trong đó có Trung Quốc. Theo thỏa thuận song phương giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về việc Trung Quốc gia nhập WTO, kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục bị coi là phi thị trường trong các vụ kiện bán phá giá và chống trợ giá hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ cho tới năm 2016.
Giá trị thông thường trong trường hợp NME
Đối với trường hợp kinh tế phi thị trường, các nhà sản xuất hàng bị điều tra phải cung cấp các thông tin và số liệu về loại và số lượng/khối lượng của các yếu tố đầu vào của sản xuất (nguyên liệu, lao động, nhiên liệu, các chi phí vốn, và các chi phí cần thiết khác) thông qua trả lời các câu hỏi phần D. DOC “xây dựng” chi phí sản xuất trực tiếp của một đơn vị sản phẩm bằng cách nhân số/khối lượng của các yếu tố đầu vào do bị đơn cung cấp với giá của các yếu tố đầu vào này ở nước thay thế. Sau đó, DOC sẽ cộng thêm một khoản các chi phí cố định (factory overhead cost), chi phí khấu hao, và các chi phí chung, bán hàng và hành chính (GSA) để tính ra toàn bộ chi phí sản xuất của một đơn vị sản phẩm. Chi phí sản xuất này cộng với lãi và chi phí đóng gói theo mức ở nước thay thế được coi là giá trị thông thường của sản phẩm.
Nước thay thế là nước có nền kinh tế thị trường và có trình độ phát triển kinh tế tương đương với nước bị kiện (chủ yếu dựa trên cơ sở thu nhập quốc dân bình quân đầu người), và là nước sản xuất đáng kể mặt hàng tương tự như mặt hàng đang bị điều tra. Ngoài ra, luật chống phá giá và các qui định của DOC không chi tiết về việc lựa chọn nước thay thế; do vậy, việc lựa chọn nước thay thế có thể có phần nào mang tính chủ quan. Sự chủ quan này, cộng với việc lựa chọn giá thay thế (cũng có thể phần nào mang tính chủ quan) có ảnh hưởng đáng kể đến kết quả tính biên phá giá. Khi xác định giá của các yếu tố đầu vào ở nước thay thế, DOC dựa hầu như hoàn toàn vào các nguồn số liệu sẵn có công khai. Các nguồn số liệu này gồm: các ấn phẩm xuất bản ở nước thay thế (ấn phẩm của chính phủ và ngành công nghiệp, báo, tạp chí); các ấn phẩm của các tổ chức quốc tế (Tổ chức lao động thế giới, Cơ quan năng lượng quốc tế, Quĩ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng thế giới, Liên hợp quốc và Tổ chức thương mại thế giới); và các nghiên cứu, báo cáo, và ấn phẩm của Hoa Kỳ và nước ngoài.
Trong vụ kiện bán phá giá philê cá Tra và Basa từ Việt Nam vào Hoa Kỳ kết thúc tháng 7 năm 2003, Việt Nam bị coi là nước có nền kinh tế phi thị trường. Bangladesh được chọn là nước thay thế. DOC đã sử dụng giá cá nguyên con tương tự, giá lao động và các yếu tố đầu vào khác, cũng như các chi phí khác và mức lợi nhuận của các cơ sở sản xuất/xuất khẩu phi lê cá của Bangladesh để xây dựng giá trị thông thường của phi lê cá Tra và Basa của Việt Nam. Trong khi đó, đại đa số các nhà sản xuất/xuất khẩu phi lê cá Tra và Basa của Việt Nam đều áp dụng qui trình sản xuất khép kín từ khâu ươm giống, nuôi cá, chế biến, đến xuất khẩu dẫn đến giá thành phi lê cá rất thấp. Nếu căn cứ vào các số liệu chi phí sản xuất thực tế ở Việt Nam thì chắc chắn không thể có bán phá giá mặt hàng này từ Việt Nam vào Hoa Kỳ.
Ngành công nghiệp có khuynh hướng thị trường
Luật chống bán phá giá của Hoa Kỳ cho phép sử dụng các phương pháp kinh tế thị trường để xác định giá trị bình thường trong các trường hợp kinh tế phi thị trường nếu như ngành công nghiệp liên quan ở nước bị kiện chứng minh được là ngành công nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường. Các tiêu chí để xác định ngành công nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường gồm:
·Hoàn toàn không có sự can thiệp của chính phủ vào việc định giá và số lượng sản xuất;
·Ngành công nghiệp không phải do nhà nước sở hữu; và
·Tất cả các chi phí đầu vào kể cả vật chất và phi vật chất (trừ một phần không đáng kể) tạo thành tổng giá trị hàng hóa phải được thanh toán theo giá thị trường.
Trên thực tế, những tiêu chí này rất khó thỏa mãn và rất hiếm có trường hợp một ngành công nghiệp ở nước có nền kinh tế phi thị trường được coi là hoạt động theo cơ chế thị trường để được áp dụng các phương pháp kinh tế thị trường trong điều tra bán phá giá vào Hoa Kỳ.
Các tin cũ hơn- Vấn đề tự khởi xướng điều tra chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD) trong pháp luật Hoa Kỳ
- Tìm hiểu về Công ước tạm quản hàng hóa (Công ước Istanbul)
- Một số luật bảo vệ người tiêu dùng
- Một số luật hạn chế nhập khẩu khác
- Các quyền hạn chế nhập khẩu tự vệ
- Điều tra bán phá giá và trợ giá, và áp thuế