- Trang chủ
- Tin tức - Sự kiện
- Thị trường Hoa Kỳ
- Danh bạ doanh nghiệp
- Hội chợ, triển lãm
- Giới thiệu Thương vụ
- Liên hệ
- Địa chỉ hữu ích
- Từ khóa tìm kiếm
Tiểu bang Oregon - “Vương quốc của hải ly”
6/13/2008 10:36:00 AMTiểu bang Oregon nằm ở Tây Bắc, giáp với Thái Bình Dương, California, Washington, Idaho và Nevada. Biên giới phía bắc nằm dọc theo sông Columbia, biên giới phía đông nằm dọc theo sông Snake. Thung lũng Willamette nằm giữa Pacific Coast và Cascade, là một trong những vùng đất nông nghiệp màu mỡ nhất thế giới.
Oregon có tổng diện tích là 255.026 km2 với địa hình đa dạng bao gồm các khu rừng cao dày đặc ở phía Bắc, vùng duyên hải với bờ biển đẹp ở phía Tây, còn lại là các vùng đất khô, thảo nguyên và sa mạc ở phân nửa miền đông và trung bắc. Salem là thủ phủ của Oregon. Portland là thành phố lớn nhất và là trung tâm kinh tế thương mại quan trọng của tiểu bang.
Dân số Oregon năm 2006 là 3.700.758 người. Hơn 90% là người da trắng, da đen 1,8% và người châu Á chiếm 3,4%.
Cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Oregon có khoảng 18. 890 người (US census 2000), tập trung chủ yếu tại thành phố lớn của tiểu bang như: Portland, Salem (hơn 17.799 người), xếp vị trí thứ 6 trên 10 thành phố có đông người Việt tại khu vực bờ Tây nước Mỹ.
Các ngành kinh tế chính của tiểu bang gồm: sản xuất máy tính và các sản phẩm điện tử, phương tiện giao thông, sản phẩm nông nghiệp, chế tạo máy và công nghiệp hoá chất. Đây là những nhóm hàng hướng về xuất khẩu. Ngoài ra, nông nghiệp và kinh doanh dịch vụ du lịch cũng là thế mạnh của Oregon.
Tổng thu nhập của tiểu bang (GSP) năm 2006 đạt 139,271 tỉ USD, GSP theo đầu người đạt 37.633 USD, đứng thứ 18 ở Hoa Kỳ.
Hoạt động Thương mại
Năm 2006, tổng kim ngạch xuất khẩu của Oregon đạt khoảng 16 tỉ USD. Thị trường xuất khẩu chính là: Canada (2,7 tỉ USD), Trung Quốc (1,4 tỉ USD), Hàn Quốc (1,3 tỉ USD), Nhật Bản (1,25 tỉ USD), Malaixia (1,2 tỉ USD)... Sản phẩm xuất khẩu chính bao gồm: Máy tính, thiết bị điện tử (6,5 tỉ USD), phương tiện giao thông (1,8 tỉ USD), máy móc các loại (1,57 tỉ USD), sản phẩm nông nghiệp (1,4 tỉ USD).
Việt Nam đứng thứ 30 (51,7 triệu USD) trong số các nước nhập khẩu từ Oregon với các sản phẩm chính: Da và sản phẩm thuộc da (33,6 triệu USD), sản phẩm nông nghiệp (5 triệu USD), máy tính (2 triệu USD), phế liệu (2 triệu USD)…
Cơ cấu nhập khẩu của Oregon khá đa dạng: Từ máy móc, thiết bị công nghệ cao đến hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm. Năm 2006, Oregon nhập khẩu khoảng 16 tỉ USD, chủ yếu từ: Nhật Bản (8,95 tỉ USD), Trung Quốc (1,83 tỉ USD), Hàn Quốc (1,7 tỉ USD). Ngoài ra: Malaixia, Mexico… cũng là những nước xuất khẩu nhiều vào thị trường này.
Năm 2006, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Oregon đạt hơn 190 triệu USD, tăng 31% so với năm 2005 (146,453 triệu USD) và đứng thứ 10 trong số các nước xuất khẩu. Các mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn là: May mặc, giầy dép, đồ gia dụng (153,798 triệu USD), tăng 17,7% so với năm 2005; sản phẩm kim loại hoàn chỉnh (trừ thép) đạt gần 24 triệu USD, tăng 275,7% so với năm 2005. Ngoài ra, các mặt hàng khác như cao su, sản phẩm phi nông nghiệp, hoá chất, nguyên vật liệu cũng có nhưng không đáng kể.
Quan hệ quốc tế
Tiểu bang Oregon có vị trí địa lý thuận lợi: Đường biển, đường không, đường bộ thông thoáng tạo đà cho kinh tế phát triển. Tiểu bang có bộ phận chuyên trách “Thương mại quốc tế” do Thống đốc bang chỉ định, gồm những người có kinh nghiệm giao thương và lãnh đạo những tập đoàn lớn hoạch định các kế hoạch thu hút đầu tư, hợp tác kinh tế nhằm khai thác thế mạnh của tiểu bang.
Trung Quốc, Hồng Kông, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đã đặt văn phòng đại diện tại tiểu bang này để tăng cường sự hợp tác về mọi mặt trong đó đặc biệt là phát triển quan hệ thương mại.
Việc kết nghĩa giữa các thành phố của tiểu bang với các thành phố khác trên thế giới cũng được chính quyền rất coi trọng và coi đây như cầu nối để tăng cường sự hiểu biết, trao đổi văn hoá. Portland là thành phố và đông dân nhất Oregon, đã có quan hệ kết nghĩa với 11 thành phố trên thế giới như: Ashkelon/ Israel; Bologna/ Ý; Corinto/ Nicaragua; Guadalajara/ Mexico; Cao Hùng/ Đài Loan; Khabarovsk/ Nga; Mutare/ Zimbabwe; Sapporo/ Nhật; Suzhou/ Trung Quốc; Ulsan/ Hàn Quốc.
Theo thống kê của Hiệp hội giáo dục quốc tế Mỹ, trong năm học 2004 – 2005, du học sinh nước ngoài đã đóng góp 13,29 tỉ USD cho nền kinh tế Mỹ. Tại Oregon hiện có 5.490 du học sinh, mỗi năm đóng góp cho tiểu bang hơn 136 triệu USD. Hợp tác quốc tế về giáo dục là một trong những thế mạnh mà Oregon đang đẩy mạnh khai thác tiềm năng hợp tác này.
Triển vọng hợp tác với Oregon
Năm 2006, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Oregon đạt 191,842 triệu USD, và nhập khẩu khoảng 51,7 triệu USD. Các con số này thực sự chưa phản ánh hết tiềm năng của Việt Nam và tiểu bang này. Do vậy, Oregon cũng chính là một trong những tiểu bang mà Thương vụ Việt Nam tại San Francisco đang phối hợp chặt chẽ với Tổng lãnh sự quán Việt Nam thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư, đặc biệt là thương mại.
Tháng 1/2007, Trường Đại học Oregon đã có chuyến khảo sát một số trường đại học của Việt Nam, tìm hiểu cơ hội hợp tác về giáo dục. Trước mắt là phối hợp với một số trường Đại học ở Đà Nẵng đào tạo khoảng trên 100 thạc sỹ và tiến sỹ. Sự hợp tác về giáo dục này mở ra triển vọng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho Việt Nam trong tương lai.
Trong khuôn khổ các chương trình của USAID hỗ trợ “Sáng kiến về các Thành phố ASEAN bền vững”, các quan chức và chuyên gia phụ trách vấn đề môi trường của 23 thành phố ASEAN sẽ tiến hành qui hoạch và phát triển tổng thể đô thị. Tại Việt Nam, Ban Phát triển cộng đồng và kinh tế Oregon cũng đang hợp tác với thành phố Hà Nội nhằm giải quyết vấn đề quản lý chất lượng không khí tại Thủ đô Hà Nội và các vùng phụ cận.
(Nguồn Tin: Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco)
Các tin cũ hơn