- Trang chủ
- Tin tức - Sự kiện
- Thị trường Hoa Kỳ
- Danh bạ doanh nghiệp
- Hội chợ, triển lãm
- Giới thiệu Thương vụ
- Liên hệ
- Địa chỉ hữu ích
- Từ khóa tìm kiếm
Alaska - Tương lai hướng về phía Bắc
6/13/2008 11:18:00 AMAlaska trước kia là thuộc địa của Nga được Hoa Kỳ mua lại vào năm 1867. Vào ngày 18 tháng 10 năm 1867, lần đầu tiên quốc kỳ Hoa Kỳ đã được cắm trên vùng đất mới này, và ngày 3/1/1959 đánh dấu sự kiện Alaska chính thức trở thành tiểu bang thứ 49 của Hoa Kỳ.
Alaska tiếp giáp bờ biển phía Tây của bắc Mỹ và là tiểu bang có diện tích lớn nhất Hoa Kỳ (khoảng 1.717.854 km²). Dầu mỏ và khí đốt là nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn nhất và là nguồn đóng góp chủ yếu trong thu nhập của Alaska (khoảng 80%)…Dân số: khoảng 640.000 người. Mật độ dân cư rất thưa (khoảng 2 người/ 1 dặm vuông), tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như: Fairbank, Juneau , Anchorage … Phần lớn làm việc trong chính quyền tiểu bang hoặc trong ngành khai thác khoáng sản.
Vào những năm 1975, người Việt đã có mặt ở đây. Tuy nhiên, do khí hậu không phù hợp nên hầu hết đã di chuyển xuống các bang có điều kiện thời tiết ấm áp giống khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam để sinh sống (California và Texas).
Tổng thu nhập của bang (Gross State Product - GSP) năm 2006 đạt 29,314 tỉ USD, chiếm 0,7% GDP của Hoa Kỳ; thu nhập tính theo đầu người đạt trên 43.748 USD, đứng thứ sáu Hoa Kỳ.
Các ngành kinh tế chính của tiểu bang bao gồm: Khai thác dầu mỏ (chiếm 20% sản lượng khai thác dầu của Mỹ và đóng góp 80% thu nhập của tiểu bang); du lịch sinh thái (mỗi năm thu hút khoảng 1,1 triệu du khách ); đánh bắt hải sản (cung cấp 90% cá hồi cho thị trường Mỹ). Bên cạnh đó, 2 thành phố Fairbank và Anchorage cung ứng dịch vụ quân sự cho liên bang cũng bổ sung nguồn đóng góp quan trọng cho thu nhập của Alaska.
Hoạt động Thương mại của Alaska
Tăng trưởng xuất khẩu hàng năm khoảng trên 10%, đạt hơn 4 tỉ USD trong năm 2006. Trong đó chủ yếu là xuất khẩu hải sản các loại: trên 2 tỉ USD chiếm 49,9%; kim loại: 1,1 tỉ USD chiếm 27,3%; hoá chất: khoảng 180 triệu USD chiếm 4,4%; sản phẩm dầu khí; 176 triệu USD chiếm 4% tổng kim ngạch xuất khẩu.Thị trường xuất khẩu chủ yếu: Nhật bản (1,1 tỉ USD); Hàn Quốc: 725 triệu USD; Trung Quốc: 474 triệu USD; Canada: 444 triệu USD và Đức: 241 triệu USD.Do không có ngành sản xuất hàng hoá (thực phẩm và tiêu dùng) hầu như Alaska phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu. Thống kê năm 2006 cho thấy, nhập khẩu vào Alaska (qua cảng Anchorage) đạt trên 10 tỉ USD (tăng 11,5% so với 2005).Thị trường nhập khẩu chính (2006): Trung Quốc 3,6 tỉ USD; Nhật Bản: 1,8 tỉ USD; Malaysia: 1,1 tỉ USD; Đài Loan: 1 tỉ USD và Thái lan: khoảng 800 triệu USD.
Bên cạnh thế mạnh về thương mại hàng hoá, du lịch cũng đem lại nguồn thu rất đáng kể cho tiểu bang. Mỗi năm có khoảng hơn 1 triệu khách du lịch tới Alaska. (Nguồn: Bộ Thương mại Hoa Kỳ, Uỷ ban Thương mại quốc tế, Cục điều tra dân số Hoa Kỳ).
Do vị trí địa lý cách biệt như vậy, chính quyền tiểu bang Alaska đặc biệt coi trọng, và ủng hộ việc tăng cường giao lưu, hợp tác với các thành phố khác trên thế giới, đặc biệt là các nước có quan hệ thương mại và đầu tư truyền thống. Các thành phố lớn của tiểu bang đã kết nghĩa với nhiều thành phố của một số nước ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái lan, Philippine… Với Việt Nam, cuối năm 2006, Hội Việt - Mỹ đã tổ chức cho đoàn cán bộ trẻ đại diện cho một số Bộ, ngành, lĩnh vực và địa phương lần đầu tiên tới thăm Alaska và thu hút được sự chú ý của cộng đồng tới Việt Nam.
Triển vọng hợp tác đối với Alaska
Dù hạn chế về điều kiện địa lý nhưng với thu nhập đầu người trên 40 ngàn USD/năm (đứng thứ sáu Hoa Kỳ), Alaska là thị trường đáng chú ý cho xuất khẩu hàng tiêu dùng Việt Nam (trong đó có hàng Thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch). Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco đang triển khai lập quan hệ với chính quyền thành phố Anchorage, Phòng Thương mại Alaska để tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại tại đây.
Đối với hợp tác đào tạo: Khai thác dầu khí là ngành kinh tế quan trọng của Alaska trong đó Anchorage, thành phố lớn nhất của tiểu bang là nơi tập trung những tập đoàn dầu khí lớn: ExxonMobile, Chevron, BP.. Tiềm năng hợp tác đào tạo, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực dầu khí giữa Alaska và Việt Nam cần được khai thác và tận dụng kể cả xuất khẩu lao động có kỹ năng trong ngành này.
Địa chỉ liên hệ cần thiết:
Website chính thức của tiểu Bang: http://www.state.ak.us/
VP phát triển kinh tế: http://www.commerce.state.ak.us/oed/home.htm
Phòng Thương mại Alaska: http://www.commerce.state.ak.us/
Du lịch Alaska: http://www.alaska.com/
Anchorage Daily News: http://www.adn.com/(Nguồn Tin: Chi nhánh Thương vụ VN tại San Francisco)
Các tin cũ hơn