- Trang chủ
- Tin tức - Sự kiện
- Thị trường Hoa Kỳ
- Danh bạ doanh nghiệp
- Hội chợ, triển lãm
- Giới thiệu Thương vụ
- Liên hệ
- Địa chỉ hữu ích
- Từ khóa tìm kiếm
Ngành Công Thương năm 2009: Giữ vững vai trò đầu tàu của nền kinh tế
1/1/2009 10:22:00 PMNgày 31/12/2008, Hội nghị triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2009 Ngành Công Thương đã được tổ chức trọng thể tại trụ sở Bộ Công Thương, Hà Nội. Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao vai trò, đóng góp của Ngành Công Thương vào thành tựu chung của cả nước trong năm 2008 đầy khó khăn, thách thức do tác động của nền kinh tế thế giới đi vào suy thoái, xứng đáng với vị trí, vai trò của Ngành trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã báo cáo tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2008 và triển khai kế hoạch năm 2009 của Ngành Công Thương. Theo báo cáo, trong năm 2008, tỷ trọng công nghiệp trong GDP tiếp tục chuyển dịch tăng dần và thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế quốc dân, đạt ước khoảng 34,4% (nếu tính cả xây dựng thì tỷ trọng ước khoảng 40%, cao nhất trong ba khu vực). Cơ cấu nội bộ Ngành Công nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến lên khoảng 61,9%. Cơ cấu công nghiệp theo thành phần kinh tế tiếp tục chuyển biến theo hướng tăng dần tỷ trọng kinh tế dân doanh và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi đó khu vực kinh tế nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo. Giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tăng 14,6% so với thực hiện năm 2007, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá cả nước ước đạt xấp xỉ 63 tỷ USD, tăng trên 29,5% so với năm 2007, nhập siêu giảm thấp hơn mục tiêu đề ra, ước đạt 17 tỷ USD với tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu là 27%, giảm so với năm 2007 (năm 2007 là 29,1%). Nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chiếm tỷ trọng công nghiệp lớn có tốc độ tăng trưởng khá đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của toàn ngành như: Vĩnh Phúc tăng 21,8%; Bình Dương tăng 21,5%; Đồng Nai tăng 20,7%; Hải Phòng tăng 18,5%; Hà Tây tăng 17,1%; Cần Thơ tăng 17,6%; Thanh Hóa tăng 16,9%; Phú Thọ tăng 12,3%; Hải Dương tăng 14,8%; Quảng Ninh tăng 10,4%; Khánh Hoà tăng 13,8%; Tp. Hồ Chí Minh tăng 12%; Hà Nội tăng 12,2%; Tp. Đà Nẵng tăng 6,1%; …
Những sản phẩm công nghiệp chủ yếu phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu năm 2008 cơ bản đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế và tiếp tục tăng trưởng. Một số sản phẩm đạt mức tăng trưởng cao so với năm trước như máy công cụ tăng 28,5%; động cơ diezen tăng 18,3%; quần áo người lớn tăng 27,7%; máy giặt tăng 28%; sữa bột tăng 18,6%; biến thế điện tăng 17,5%;… Một số sản phẩm có mức tăng trưởng khá như: điện sản xuất tăng 10,8% tương ứng với điện thương phẩm tăng 12,8%; động cơ điện tăng 9,8%; tivi các loại tăng 15%; tủ lạnh, tủ đá tăng 22,2%; bia các loại 11,8%...Bên cạnh đó còn một số sản phẩm giảm nhiều so với năm 2007 như thép tròn các loại giảm 10,6%; than sạch giảm 6,1%; dầu thực vật tinh luyện giảm 1,2% …
Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng cao so với kế hoạch và so với nhiều năm gần đây. Nhập siêu có xu hướng giảm dần. Kim ngạch xuất khẩu tăng đều khắp các mặt hàng, các thị trường, đã phản ánh phần nào năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam từng bước được nâng lên; qui mô và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu được duy trì ở mức cao; các mặt hàng xuất khẩu truyền thống vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng cao, nhiều mặt hàng mới xuất hiện; cơ cấu hàng hoá xuất khẩu vẫn tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng nhóm hàng chế biến, chế tạo, giảm tỷ trọng xuất khẩu thô.
Kim ngạch nhập khẩu cả năm ước đạt xấp xỉ 63 tỷ USD, tăng trên 29,5% so với năm 2007. Kim ngạch của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 34,87 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 55,4%, tăng 25,5% so với năm 2007; của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 28,02 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 44,6%, tăng 34,9%, so với năm 2007.
Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu giữ được ở mức cao do trong những tháng đầu năm dầu thô, than đá và nhiều mặt hàng nông sản gặp thuận lợi về giá và thị trường xuất khẩu; Những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao như gạo, nhân điều, khoáng sản.
Ngoài 10 mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD đã thực hiện được từ năm 2007 (chủ yếu thuộc nhóm hàng công nghiệp chế biến, nông sản) là thủy sản, gạo, cà phê, cao su, dầu thô, dệt may, giầy dép, điện tử và linh kiện máy tính, sản phẩm gỗ và nhóm sản phẩm cơ khí, trong năm nay xuất hiện thêm 1 mặt hàng có khả năng đạt kim ngạch trên 1 tỷ là dây điện và cáp điện.
Sản phẩm tàu thuyền, sản phẩm từ gang thép, sản phẩm từ cao su có mức tăng trưởng cao so với năm 2007, là những mặt hàng có triển vọng tăng mạnh trong những năm tới.
Mức tăng trưởng của các khu vực thị trường có sự thay đổi, xuất khẩu sang thị trường Châu Phi tăng 95,7%; Châu Á tăng 37,8%; Châu Đại dương tăng 34,9%, nhưng tăng chậm lại đối với Châu Mỹ (21,9%); Châu Âu (26,3%).
Cơ cấu thị trường hàng hoá có sự chuyển dịch, tăng dần ở Châu Á, Châu Đại Dương và Châu Phi. So với tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, thị trường Châu Á chiếm 44,5% (năm 2007 là 41,9%), Châu Âu chiếm 18,3% (năm 2007 là 18,7%), Châu Mỹ 20,6% (năm 2007 là 21,9%), châu đại dương 6,7% (năm 2007 là 6,4%), châu phi 1,9% (năm 2007 là 1,27%).
Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 79,9 tỷ USD, tăng 27,5% so với năm 2007, trong đó doanh nghiệp có vốn trong nước nhập khẩu khoảng 51,5 tỷ USD, tăng 25,6% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu khoảng 28,5 tỷ USD, tăng 31%.
Những mặt hàng nhập khẩu chủ yếu có trị giá tăng cao so với năm 2007 gồm: ôtô nguyên chiếc các loại tăng 78,9% (so với cuối năm 2007 và đầu năm 2008 thì đã giảm rất nhiều), linh kiện ôtô tăng 52,6%, thép tăng 22%, phôi thép tăng 42,9%, phân bón tăng 47%, xăng dầu tăng 41,2%, bông tăng 75%, đá quý và kim loại 200,9%, thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 47,2%...Các mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch lớn thuộc nhóm thiết bị máy móc, nguyên nhiên, vật liệu, phụ liệu (không kể xăng dầu). Trong đó có một số mặt hàng chiếm tỷ trọng cao như: thép thành phẩm chiếm 6,1 %, máy móc thiết bị chiếm 17%, vải chiếm 5,5%, điện tử linh kiện, máy tính chiếm 4,6%, nguyên phụ liệu dệt, may, da 2,9 %...
Về thị trường nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu từ Châu Á vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất 75,6% và ngày càng tăng (năm 2007 chiếm 72,2%) trong đó chủ yếu là nhập khẩu từ Trung Quốc và ASEAN, trong khi đó nhập khẩu từ thị trường Châu Âu vẫn ở mức khiêm tốn chiếm 10,3%.
Nhập siêu cả năm 2008 ước là 17 tỷ USD với tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu là 27%, giảm so với năm 2007 (năm 2007 là 29,1%). So với mục tiêu ban đầu là 20 tỷ USD đã phấn đấu giảm được 3 tỷ USD nhập siêu.Về thị trường trong nước, công tác điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường kịp thời, đặc biệt là đối với những mặt hàng trọng yếu, nhìn chung đã không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, “sốt giá” trầm trọng và kéo dài. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 968 nghìn tỷ đồng, tăng 31,0% so với năm 2007. Công tác triển khai các nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, kiểm soát khống chế tăng giá đã đạt được kết quả tích cực.
Nhiều doanh nghiệp thương mại đã củng cố và phát triển hệ thống phân phối, triển khai các loại hình bán buôn, bán lẻ mới theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp. Mạng lưới chợ và loại hình thương mại truyền thống tiếp tục được quan tâm phát triển. Thị trường miền núi, hải đảo vẫn được bảo đảm cung cấp các mặt hàng chính sách như sách vở, muối ăn, dầu hỏa,...Kinh tế thế giới năm 2009 được dự báo khó khăn hơn năm 2008, khủng hoảng tài chính thế giới còn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu ổn định. Nhiều nước đã công bố tình trạng suy thoái kinh tế. Xuất khẩu khó khăn hơn do kinh tế thế giới suy giảm, sản xuất và tiêu dùng bị thu hẹp, chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng tăng lên sẽ hạn chế nhu cầu nhập khẩu, làm giảm khả năng xuất khẩu của nước ta;
Ở trong nước nền kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn thách thức. Một số cân đối vĩ mô còn tiềm ẩn sự chưa ổn định, sức cạnh tranh cả 3 cấp độ còn yếu, ảnh hưởng lạm phát năm 2008 còn kéo dài đối với các doanh nghiệp, đời sống người lao động còn nhiều khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực, hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu...
Năm 2009, Ngành Công Thương phấn đấu thực hiện tốt nhất Nghị quyết 23/2008/QH12 kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XII về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009 là ”Tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, bền vững, chủ động ngăn ngừa suy giảm, bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế một cách chủ động và hiệu quả; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010” và các nhiệm vụ Chính phủ đề ra trong Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 về ”Những giải pháp cấp bạch nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội”.
Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2009 đề ra khoảng 6,5%, Ngành Công Thương phấn đấu đạt những mục tiêu sau đây:Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,0% so với năm 2008. Giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp tăng 9% so với thực hiện năm 2008 (công nghiệp và xây dựng tăng 7,4%).
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đạt 71,084 tỉ USD, tăng 13% so với thực hiện năm 2008.
Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá là 90,3 tỷ USD, tăng 13%. Nhập siêu hàng hoá năm 2009 khoảng 19,2 tỷ USD, bằng 27% so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá.Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ khoảng 1210 nghìn tỷ đồng, tăng 25,13% so với ước thực hiện năm 2008.
Bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra sốt hàng, sốt giá, góp phần kiềm chế tăng chỉ số giá tiêu dùng theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 của Quốc hội khóa XII thông qua.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng trước kết quả Ngành Công Thương đã đạt được trong năm 2008 vừa qua, coi đây là đóng góp quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi những mục tiêu chung của đất nước. Ngành Công Thương đã rất nỗ lực, đặc biệt kim ngạch xuất khẩu tăng, nhập siêu giảm thấp hơn mục tiêu đề ra, ước đạt 17 tỷ USD (dự kiến 20 tỷ USD). Thị trường trong nước giữ được sự bình ổn và tăng trưởng, các mặt hàng chủ yếu được đảm bảo, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, "sốt giá" trầm trọng và kéo dài. Sản xuất công nghiệp giữ được mức tăng trưởng tương đối khá, tuy có thấp hơn kế hoạch đề ra nhưng là một sự cố gắng lớn của Ngành, đã góp phần tăng trưởng xuất khẩu, hạn chế nhập siêu và góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội. Theo Thủ tướng, đó là bước đột phá tích cực được cả xã hội quan tâm.
Thủ tướng nhận định, năm 2009 tình hình kinh tế - xã hội cả nước sẽ khó khăn hơn, do vậy Ngành Công Thương cần bám sát, thực hiện 5 nhóm giải pháp trọng tâm Chính phủ đề ra, nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế. Thủ tướng chỉ đạo, Ngành cần quán triệt nhiệm vụ trên và cụ thể hóa bằng công việc. Với vai trò quản lý, Bộ cần cụ thể hóa thể chế, cơ chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động theo khuôn khổ luật pháp.(Nguồn Tin: MOIT website)
Các tin cũ hơn- Đoàn doanh nghiệp Việt Nam xúc tiến thương mại tại thị trường Hoa Kỳ
- PHIÊN TƯ VẤN XUẤT KHẨU SẢN PHẨM SẦU RIÊNG VIỆT NAM
- Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin muốn tìm kiếm đối tác tại Hoa Kỳ
- Hội thảo Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao và đổi mới công nghệ
- Tuần lễ giao thương ngành Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Việt Nam 2022
- DIỄN ĐÀN KẾT NỐI DOANH NHÂN KIỀU BÀO, THÚC ĐẨY THƯƠNG MẠI VÀ ĐẦU TƯ NGÀNH NÔNG NGHIỆP