• Kết quả rà soát 5 năm cá tra – basa của Bộ Thương mại Hoa Kỳ

    2/24/2009 5:01:00 PM

    Theo thông báo của Công báo Liên bang Hoa Kỳ số 74 FR 5819 ngày 02/02/2009, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã đưa ra kết luận về biên độ bán phá giá mặt hàng cá tra - basa có xuất xứ từ Việt Nam.

    Theo kết luận này, biên độ bán phá giá áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra – basa của Việt Nam sẽ giữ nguyên như biên độ phá giá mà DOC xác định tại giai đoạn điều tra ban đầu (năm 2002). 
    Tiến trình của vụ việc 

    Ngày 01/7/2008, theo quy định tại Điều 751(c) Luật Thuế sửa đổi năm 1930 (Đạo luật), Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đưa ra thông báo về việc tiến hành rà soát hoàng hôn (sunset review) Lệnh thuế chống bán phá giá sau 5 năm được áp dụng với mặt hàng philê cá tra cá basa đông lạnh của Việt Nam. 

    Ngày 16/7/2008, Bộ Thương mại nhận được thông báo tham gia rà soát từ Hiệp hội các nhà nuôi cá da trơn Hoa Kỳ (CFA) và một số các công ty, doanh nghiệp chế biến cá da trơn tại Hoa Kỳ (Bên khởi kiện, đại diện ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ). Bộ Thương mại đã quyết định tiến hành rà soát đầy đủ Lệnh thuế chống bán phá giá nêu trên. 

    Vấn đề rà soát 

    Trong đợt rà soát này, Bộ Thương mại xem xét hai vấn đề: thứ nhất: liệu có khả năng tiếp tục hay tái diễn việc bán phá giá hay không; và thứ hai: biên độ bán phá giá là bao nhiêu. 

    Để xác định liệu việc huỷ bỏ lệnh thuế chống bán phá giá có thể dẫn đến việc tiếp tục hoặc tái diễn bán phá giá hay không, Bộ Thương mại cần phải xem xét biên độ bán phá giá bình quân gia quyền đã được xác định trong quá trình điều tra và trong những lần rà soát sau đó, và khối lượng hàng nhập khẩu được rà soát trong khoảng thời gian trước và sau khi ban hành lệnh thuế chống bán phá giá. Theo quy định của pháp luật chống bán phá giá Hoa Kỳ, Bộ Thương mại thường xác định rằng việc huỷ bỏ lệnh thuế chống bán phá giá có khả năng dẫn đến việc tiếp tục hay tái diễn bán phá giá trong các trường hợp: (a) việc bán phá giá vẫn tiếp tục diễn ra trên mức biên độ tối thiểu sau khi ban hành Lệnh áp thuế; (b) việc nhập khẩu hàng hoá đang thuộc đối tượng xem xét dừng hẳn sau khi ban hành Lệnh thuế chống bán phá giá; hoặc (c) việc bán phá giá đã được loại bỏ sau khi ban hành Lệnh, và số lượng nhập khẩu hàng hoá được xem xét đã sụt giảm một cách đáng kể. 

    Trong trường hợp cá tra cá basa Việt Nam, Bộ Thương mại nhận thấy Việt Nam đã bán phá giá với biên độ vượt mức tối thiểu, cả trong giai đoạn điều tra chống bán phá giá ban đầu (năm 2002) cũng như trong các cuộc rà soát hành chính và rà soát nhà xuất khẩu mới sau này. 

    Sau khi rà soát, Bộ Thương mại cho rằng sự tồn tại của biên độ bán phá giá ngay cả sau khi đã ban hành lệnh áp thuế có thể minh chứng rõ ràng cho khả năng hành vi bán phá giá vẫn sẽ tiếp tục hoặc tái diễn sau khi thuế chống bán phá giá được dỡ bỏ. Do đó, Bộ Thương mại xác định việc bán phá giá sẽ có khả năng tiếp tục hoặc tái diễn nếu dỡ bỏ Lệnh áp dụng thuế chống bán phá giá. 

    Về biên độ bán phá giá, bên khiếu kiện đã đề xuất biên độ phá giá của lần rà soát cuối kỳ này sẽ giống như biên độ phá giá đã được xác định trong giai đoạn điều tra ban đầu. 

    Theo quy định pháp luật chống bán phá giá Hoa Kỳ, Bộ Thương mại sẽ chọn biên độ đã tính được trong phán quyết cuối cùng trong quá trình điều tra bởi vì đó là biên độ duy nhất phản ánh được hành vi của các nhà xuất khẩu khi không có lệnh thuế hoặc cam kết đình chỉ. Bộ Thương mại cũng nhận thấy rằng các biên độ đã tính trong lần điều tra ban đầu là chỉ số tốt nhất cho biên độ phá giá nếu lệnh thuế bị bãi bỏ, bởi vì đó là những chỉ số duy nhất đã được tính toán về biên độ bán phá giá khi chưa áp dụng một lệnh thuế chống bán phá giá. 

    Tiến trình tiếp theo 

    Theo quy định của Điều 752(c)(3) và 752(c)(4)(A) của Đạo luật Thuế quan 1930, Bộ Thương mại sẽ thông báo cho ITC về các biên độ bán phá giá tương ứng của các công ty hưởng mức thuế suất riêng rẽ và biên độ bán phá giá của các công ty Việt Nam khác. 

    Theo thông báo của Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) số 731-TA-1012 (review) ngày 09/01/2009, nằm trong trình tự thủ tục điều tra để xác định liệu việc dỡ bỏ thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng cá tra – basa của Việt Nam có thể là nguyên nhân làm tái diễn hoặc tiếp tục thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ hay không, ITC sẽ tổ chức phiên điều trần để nghe ý kiến của các bên quan tâm vào ngày 06/5/2009.

    (Nguồn Tin: MOIT website)

  • Bộ Công Thương
  • Cục Xúc Tiến Thương Mại
  • Phòng thương mại Việt Nam
  • Vietnam Value