• Hiệp định đối tác kinh tế Việt nam-Nhật bản (EPA )sẽ xây dựng khu vực thương mại tự do song phương toàn diện

    8/17/2008 9:20:00 AM

    Ông Phan Thế Ruệ, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (EPA) nói về tiến trình đàm phán hiệp định quan trọng này.

    Xin Thứ trưởng cho biết mục tiêu chính của Hiệp định EPA Việt Nam - Nhật Bản ? 

    Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba và là một trong 4 nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Việt Nam. Có thể nói, các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam đã và đang không ngừng mở rộng hoạt động hợp tác kinh doanh và phát triển mối quan hệ đầu tư lâu dài, ổn định. Thực tế đó vừa là động lực vừa là mục tiêu quan trọng nhất của Hiệp định EPA Việt Nam - Nhật Bản. 

    Hiệp định EPA sẽ xây dựng một khu vực thương mại tự do song phương toàn diện giữa hai nước trong thời gian 10 năm, bao gồm các nội dung về tự do thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, đầu tư và hợp tác kinh tế. Hiệp định được xây dựng phù hợp với các chuẩn mực và nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). 

    Tiến trình đàm phán đang ở giai đoạn nào kể từ khi hai nước khởi động đàm phán từ tháng 1/2007? 

    Kể từ tháng 1/2007 tới nay, hai bên đã tổ chức 7 phiên đàm phán chính thức và nhiều phiên đàm phán không chính thức. Các cuộc đàm phán diễn ra trên tinh thần khẩn trương, cởi mở và xây dựng. Các nguyên tắc chung mà hai bên đều thống nhất trong quá trình đàm phán là Hiệp định cần đem lại sự cân bằng về lợi ích cho hai bên, có tính tới các lĩnh vực nhạy cảm của hai nước, đồng thời thừa nhận sự chênh lệch trình độ phát triển giữa hai nước để có sự đối xử đặc biệt và khác biệt cho Việt Nam. 

    Đàm phán đang bước vào giai đoạn cuối chuẩn bị cho kết thúc. Tuy khoảng cách đã được thu hẹp đáng kể, nhưng vẫn còn một số tồn tại đòi hỏi cả hai bên đều phải hết sức nỗ lực để tìm kiếm một giải pháp tổng thể, đáp ứng được lợi ích chính đáng của mỗi bên. Phiên đàm phán chính thức lần thứ 8 sẽ được diễn ra trong tuần từ ngày 18/8 này, dự kiến sẽ góp phần giải quyết những vấn đề gai góc nhất còn tồn tại trong đàm phán. 

    Những yêu cầu mấu chốt mà Việt Nam đặt ra cho phía Nhật Bản trong giai đoạn đàm phán cuối cùng này là gì, thưa ông? 

    Cho tới nay, các cam kết của ta đã đáp ứng tiêu chuẩn của một hiệp định thương mại tự do (FTA). Về dịch vụ và đầu tư, ta đã có những cam kết cởi mở, tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư Nhật Bản đến làm ăn tại Việt Nam. Ta cũng đã đưa ra các cam kết phù hợp về thương mại hàng hoá và các lĩnh vực khác. Với tư cách là nước đang phát triển ở trình độ thấp, ta đã yêu cầu EPA Việt Nam - Nhật Bản cần tạo ra những cơ hội mới cho xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vào Nhật Bản, không dừng lại ở mức khai thác các cơ hội hiện hành, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà ta có thế mạnh như nông nghiệp, thuỷ sản, dệt may. 

    Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thế mạnh về nguồn nhân lực, hoàn toàn có thể đáp ứng một phần nhu cầu ngày càng tăng của Nhật Bản nên ta đã đề nghị Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực như y tá, công nhân kỹ thuật... Ta cũng đề nghị hai bên thực hiện các dự án hợp tác phát triển công nghiệp phụ trợ và xây dựng năng lực kiểm dịch động vật. 

    Hai nước có thể kết thúc đàm phán để đi đến ký kết Hiệp định EPA trong năm nay không, thưa ông? 

    Hiệp định EPA Việt Nam - Nhật Bản là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản trong năm 2008. Với thiện chí và nỗ lực của cả hai bên, tôi tin tưởng đàm phán sẽ sớm đạt kết quả trong thời gian tới. Cùng với các hiệp định đối tác kinh tế song phương giữa Nhật Bản và các nước ASEAN khác như Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia và Thái Lan, Hiệp định EPA Việt Nam - Nhật Bản sẽ tiếp nối chuỗi cung ứng và sản xuất chung của ASEAN và Nhật Bản. Điều đó không chỉ có lợi cho Việt Nam và Nhật Bản, mà còn có lợi cho cả khu vực, phù hợp với mục tiêu xây dựng “Quan hệ đối tác chiến lược vì hoà bình và thịnh vượng ở khu vực Đông Á” mà lãnh đạo hai nước đã đề ra.

    (Nguồn Tin: VIR's Website)

  • Bộ Công Thương
  • Cục Xúc Tiến Thương Mại
  • Phòng thương mại Việt Nam
  • Vietnam Value