• FED nói kinh tế Mỹ đã kết thúc giai đoạn suy thoái

    10/9/2009 2:19:00 PM

    Cuộc khảo sát mới đây cho thấy hoạt động kinh tế tại hầu hết các khu vực trên toàn nước Mỹ đang bình ổn hoặc đang được cải thiện mặc dù thị trường lao động vẫn yếu và doanh số bán lẻ chưa tăng.

    Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khẳng định đây là bằng chứng cho thấy suy thoái kinh tế Mỹ, được đánh giá là tồi tệ nhất trong vòng 7 thập kỷ qua, đã kết thúc.

    Theo báo cáo của FED về cuộc khảo sát điều kiện kinh tế trên khắp nước Mỹ (Beige Book) công bố ngày 9/9, hoạt động kinh tế tại nhiều khu vực hoặc "đã ổn định", hoặc "có một số dấu hiệu cải thiện" hay "bình ổn hoặc có nhiều dấu hiệu bình ổn". Riêng khu vực St. Louis, điều kiện kinh tế có vẻ vẫn đi xuống "ở mức độ vừa phải".

    Báo cáo cũng đưa ra dự đoán của các nhà phân tích kinh tế cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý III/2009 dao động từ 3 - 4% và sự tăng trưởng có được từ việc tăng chi tiêu của các doanh nghiệp cũng như tăng chi tiêu dùng, chủ yếu là nhờ kết quả của chương trình "đổi xe cũ lấy xe mới". 

    Trong khi đó, ngành sản xuất được cho là "có sự cải thiện khiêm tốn" và thị trường nhà ở cũng cho thấy nhiều dấu hiệu cải thiện, tuy nhiên thị trường bất động sản thương mại vẫn tiếp tục trì trệ. 

    Vì thế, theo bản báo cáo, các doanh nghiệp tại tất cả các khu vực do FED quản lý tỏ ra "lạc quan một cách thận trọng" với toàn cảnh nền kinh tế Mỹ.

    Khảo sát lần này đưa ra nhận định sáng sủa hơn so với khảo sát hồi tháng 7, khi đó FED thừa nhận có dấu hiệu cho thấy suy thoái kinh tế Mỹ tệ hại nhất từ những năm 1930 đang dần kết thúc. 

    FED nhận định chi tiêu tiêu dùng ở Mỹ có vẻ như đã thoát đáy, thị trường nhà đất đang trở nên ổn định hơn và hoạt động sản xuất công nghiệp cũng đang bình ổn trở lại. 

    Cũng theo FED, triển vọng cho các nhà xuất khẩu Mỹ đang sáng hơn nhờ sự cải thiện tại các nền kinh tế khác trên thế giới. Với những cơ sở như vậy, các quan chức FED tin tưởng rằng "suy thoái kinh tế Mỹ đang kết thúc".

    Tuy nhiên, FED cảnh báo tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ có thể vượt mức 10% trong năm nay, có thể ảnh hưởng tới thái độ của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, giá nhà đất và cổ phiếu đi xuống, cộng thêm với những khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng sẽ khiến người tiêu dùng phải đương đầu với "những cơn gió chướng không thể xem nhẹ".

    Cựu Chủ tịch FED Alan Greenspan cũng có nhận định tương tự khi cho rằng mặc dù cần nhiều thời gian để phục hồi và sẽ có nhiều khó khăn, nhưng cuối cùng nền kinh tế thế giới sẽ "qua khỏi suy thoái". Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo con đường phục hồi sẽ gặp khó khăn nếu chính phủ các nước đưa ra các biện pháp bảo hộ.

    Cựu chủ tịch FED cũng dự báo thế giới sẽ hứng chịu một cuộc khủng hoảng tài chính nữa, song sẽ khác với lần này. Ông Greenspan từng dự đoán xảy ra suy thoái vì đó là sự phản hồi đối với một giai đoạn hưng thịnh kéo dài. 

    Theo ông Greenspan, các cuộc khủng hoảng tài chính đều khác nhau, nhưng có cùng nguyên nhân cơ bản. Cuộc khủng hoảng hiện nay khởi đầu từ tín dụng thứ cấp liên quan tới cho vay mua nhà trả góp, tuy nhiên bất kỳ yếu tố nào liên quan tới nợ xấu đều có thể có ảnh hưởng quy mô như vậy. 

    Ngoài ra, để đề phòng khủng hoảng tái diễn, khu vực tài chính và chính phủ các nước phải ngăn chặn tình trạng gian lận và bắt buộc tăng vốn dự trữ, để trang trải các hoạt động bình thường của ngân hàng và đáp ứng nhu cầu rút tiền khi cần./.

    (Nguồn Tin: Vietnamplus)

  • Bộ Công Thương
  • Cục Xúc Tiến Thương Mại
  • Phòng thương mại Việt Nam
  • Vietnam Value