• Đại sứ Thương mại Mỹ ấn tượng về sự phát triển của Việt Nam

    1/12/2009 10:04:00 PM

    Bà Susan C. Schwab, Đại sứ Thương mại Mỹ, rất ấn tượng trước sự phát triển của Việt Nam trong những năm gần đây, trong đó, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu may mặc và giày dép lớn thứ hai vào thị trường Mỹ.

    Tại buổi hội thảo Việt Nam, Mỹ và thế giới, những khó khăn và triển vọng về thương mại và đầu tư diễn ra ngày 1/12, bà Susan C.Schwab, cho biết đã thực sự ngạc nhiên trước sự phát triển của Việt Nam. Bà đến Việt Nam lần đầu vào năm 1995, sau vài năm, Việt Nam đã có sự thay đổi rất nhiều. Năm 2001 xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ đạt 1,4 tỷ USD đến năm 2008 con số này đã lên tới 14,5 tỷ USD.

    Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ đạt 8,197 tỷ USD. Trong đó, những mặt hàng xuất khẩu nổi bật như hàng dệt may chiếm 3,69 tỷ USD; giày dép 767 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 764,67 triệu USD; thủy sản đạt 518,7 triệu USD; dầu thô đạt 325,3 triệu USD. Hiệp hội May mặc Giày dép Mỹ đánh giá, Việt Nam đứng thứ hai trong các nước xuất khẩu may mặc và giày dép vào Mỹ, sau Trung Quốc.

    Có nhiều tiềm năng, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp không ít khó khăn, do rào cản về kinh nghiệm gia nhập thị trường Mỹ. Theo bà Susan C.Schwab, các doanh nghiệp Việt Nam cần xác định rõ lợi thế để cạnh tranh với các nước khác. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới khiến thương mại toàn cầu chững lại, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh Việt Nam, song đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam nhìn lại mình.

    "Mỗi doanh nghiệp cần có chiến thuật phù hợp để cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc tế", bà Susan C.Schwab nhận định.

    Đồng tình với quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Lê Danh Vĩnh cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh thị trường xuất khẩu sang 150 nước đặc biệt là thị trường châu Âu, Nhật Bản. Lợi thế của Việt Nam là xuất khẩu các mặt hàng như nông sản, giày dép, dệt may. Do đó, các doanh nghiệp nội cần phát huy mạnh vai trò này. Cũng theo ông Vĩnh, lao động Việt Nam trẻ, chịu thương, chịu khó cũng là một lợi thế. Ông Vĩnh đưa ra ví dụ, trong khi các lao động nước ngoài chỉ làm việc đến 21-22 giờ thì lao động Việt Nam sẵn sàng làm việc tới tận 1- 2 giờ sáng.

    Theo Tổng cục Thống kê, nhập siêu trong tháng 11 ước đạt 1,75 tỷ USD. Trong 11 tháng đầu năm, nhập siêu ước tính xấp xỉ 10,2 tỷ USD. Trước áp lực nhập siêu, ông Vĩnh cho hay, Bộ Công Thương chủ trương đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu. "Trước năm 1939, Việt Nam tự hào là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Dự kiến sang năm kim ngạch xuất khẩu tăng 5- 6%. Trong tháng 12, so với kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ nhập siêu tối đa chiếm 20%", ông Vĩnh nói.

    (Nguồn Tin: VnExpress)

  • Bộ Công Thương
  • Cục Xúc Tiến Thương Mại
  • Phòng thương mại Việt Nam
  • Vietnam Value