- Trang chủ
- Tin tức - Sự kiện
- Thị trường Hoa Kỳ
- Danh bạ doanh nghiệp
- Hội chợ, triển lãm
- Giới thiệu Thương vụ
- Liên hệ
- Địa chỉ hữu ích
- Từ khóa tìm kiếm
CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2008
8/7/2008 1:03:00 PMTheo báo cáo tại Hội nghị giao ban trực tuyến do Bộ Công Thương tổ chức ngày 8/7/ 2008, trong bối cảnh giá nguyên vật liệu tăng cao, lạm phát xảy ra ở nhiều nước trong khu vực và thế giới, những hạn chế chủ quan và khách quan trong nước, kinh tế Việt nam trong 6 tháng đầu năm 2008 tiếp tục giành được những kết quả đáng khích lệ.Giá trị tăng thêm của ngành Công nghiệp đóng góp cho GDP trên 212,5 nghìn tỷ đồng chiếm tỷ trọng 34,4%, ngành Thương mại dịch vụ trên 243,7 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 39,0%.
Sản xuất và lưu thông hàng hóa, dịch vụ
Tính chung ngành Công nghiệp (không tính ngành Xây dựng) và Thương mại đóng góp trong GDP khoảng 456,2 nghìn tỷ đồng chiếm tỷ trọng 73% trong GDP, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 326.641 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2007. Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu 6 tháng đều tăng khá so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt 29,69 tỉ USD, bằng 50% kế hoạch năm và tăng 31,8% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm gần đây (6 tháng 2007 tăng 19,4%; 6 tháng 2006 tăng 25,7%; 6 tháng 2005 năm tăng 17,4%). Cân đối cung cầu những mặt hàng trọng yếu tiếp tục được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của nhân dân. Doanh thu hàng hóa và dịch vụ cả nước 6 tháng ước đạt 447,3 nghìn tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục phát triển, nhất là về quy mô dự án lớn ngày càng nhiều.
Tổng lượng xăng dầu nhập khẩu 6 tháng đầu năm khoảng 6,8 triệu tấn, bằng trên 46,8 % kế hoạch năm, đã đáp ứng như cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước. Riêng Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 3,75 triệu tấn, bằng 55,1% tổng lượng nhập khẩu của cả nước, trong đó nhập cho thị trường nội địa đạt 50% kế hoạch được giao và tăng 4% so với cùng kỳ.Thách thức lớn
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,5%, tuy đạt mục tiêu đầu năm là 16,3-16,6%, nhưng giá trị gia tăng chỉ tăng 8,3% thấp hơn nhiều so với mức tăng của 6 tháng các năm gần đây (6 tháng 2005 tăng 9,80%, 6 tháng 2006 tăng 9,52%, 6 tháng năm 2007 tăng 9,96%), trong đó công nghiệp khai thác giảm 6,62%, công nghiệp chế biến tăng 11,4% thấp hơn so với mức tăng 12,3% của cùng kỳ năm 2007, điều này cho thấy chi phí trung gian trong sản xuất còn lớn, công nghiệp chế biến, chế tác còn yếu, tỷ trọng gia công còn cao, công nghiệp khai thác giảm, mặt khác cũng thể hiện phần nào nguyên nhân khách quan là giá nguyên vật liệu tăng cao, chi phí đầu vào của sản phẩm lớn. Khoảng cách giữa tăng trưởng giá trị sản xuất và giá trị gia tăng ngày càng rộng, 6 tháng đầu năm nay là 8,2 điểm phần trăm (6 tháng 2005 là 5,8 điểm phần trăm, 6 tháng 2006 là 6,5 điểm phần trăm và 6 tháng 2007 là 6,9 điểm phần trăm). Nhập siêu lớn, trong 6 tháng đầu năm 2008 đã vượt mức nhập siêu cả năm 2007. Tuy vậy cơ cấu nhập khẩu vẫn tập trung chủ yếu là nguyên vật liệu, thiết bị máy móc, phụ tùng và ảnh hưởng bởi giá nhập khẩu hầu hết các mặt hàng tăng cao.
Mục tiêu năm 2008
Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất công nghiệp và xuất khẩu hàng hóa với tốc độ cao để bảo đảm cả năm 2008 tăng trưởng sản xuất công nghiệp đạt mức cao nhất có thể (không thấp hơn 5,5%), tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu không thấp hơn 26%, mức tăng tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu tối đa là 30% so với năm 2007.
Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư các công trình, dự án đã được soát xét tập trung vốn để hòan thành đưa vào hoạt động năm 2008 và 2009, nhất là các công trình nguồn điện, lưới điện, các dự án tăng cường năng lực sản xuất hàng xuất khẩu, sản xuất để giảm nhập khẩu...
Tăng cường hoạt động theo dõi, kiểm tra kiểm soát, quản lý các diễn biến của thị trường hàng hóa để chủ động xử lý những phát sinh nhằm bảo đảm tốt nguồn cung ứng những mặt hàng trọng yếu với giá cả ổn định như xăng dầu, phân bón, sắt thép, giấy in, xi măng, gạo, dược phẩm...cương quyết không để xảy ra tình trạng đứt nguồn, sốt giá, đồng thời xử lý một cách kịp thời, nghiêm minh mọi hành vi đầu tư, găm hàng, nâng giá, buôn lậu...làm rối loạn thị trường.Tại Hội nghị, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, dù bất cứ hoàn cảnh nào, 6 tháng cuối năm, ngành Công Thương cũng phải đạt được 4 mục tiêu: tăng trưởng XK trên 26%, khống chế nhập siêu không vượt quá 30% kim ngạch xuất khẩu, duy trì sản xuất công nghiệp đạt mức cao nhất, ổn định thị trường trong nước (kể cả về giá và việc cung cấp đủ nhu cầu về vật tư, hàng hóa thiết yếu) và tăng cường công tác hội nhập kinh tế quốc tế…
Về sản xuất công nghiệp: Khai thác tối đa năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường để đáp ứng các sản phẩm thiết yếu của nền kinh tế là điện, than mỏ, phân bón, sắt thép xây dựng, động cơ máy móc phục vụ nông nghiệp, ô tô tải...; một số sản phẩm tiêu dùng như sản phẩm may mặc, giày dép, sữa, dầu thực vật...và các sản phẩm xuất khẩu như dầu thô, sản phẩm may mặc, giày dép, cơ khí, dây và cáp điện, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ...Đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm làm nguyên liệu, phụ tùng, linh phụ kiện...cho sản xuất sản phẩm chính, góp phần giảm nhập khẩu; Tiếp tục rà soát để tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, duy trì ổn định giá bán hàng hóa những mặt hàng trọng yếu theo quy định của Chính phủ.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần tăng cường quản lý vận hành có hiệu quả các nguồn phát điện, nhất là các nhà máy thủy điện; kiểm soát tốt lịch sửa chữa các nhà máy nhiệt điện; kiểm sóat tốt nhu cầu; điều độ hệ thống điện quốc gia một cách ổn định, hiệu quả; tăng cường quản lý giảm tổn thất; tiếp tục thực hiện chương trình tiết kiệm điện.
Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam tăng cường công tác quản lý tiêu thụ than, bảo đảm trước hết đáp ứng nhu cầu trong nuớc, nhất là các hộ tiêu dùng lớn với giá ổn định.
Tập đoàn Dệt May Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu để cùng toàn ngành dệt may phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu cả năm trên 9 tỷ USD; chuyển hướng xuất khẩu sang các mặt hàng có giá trị gia tăng cao và các thị trường và hợp đồng thanh tóan bằng các ngoại tệ chuyển đổi khác USD; tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành.
Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh sản xuất các loại phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp; phấn đấu đưa dự án DAP vào hoạt động để sản xuất được 100 ngàn tấn sản phẩm trong năm 2008.
Về xuất nhập khẩu: Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ngành để tổ chức thực hiện các nhóm giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu đã được báo cáo Chính phủ, trong đó chú trọng kiểm soát chặt chẽ cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, ưu tiên nhập khẩu những hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, tạm dừng hoặc hạn chế nhập khẩu những hàng tiêu dùng chưa cần thiết.
Chú trọng công tác điều hành việc xuất khẩu gạo theo đúng chỉ đạo của Chính phủ; điều hành xuất khẩu hàng dệt may theo mục tiêu kim ngạch năm đã đề ra; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường trong 6 tháng cuối năm.
Kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu và cung ứng xăng dầu theo đúng quy định của Chính phủ và kế hoạch năm đã đề ra; phối hợp các Bộ ngành giải quyết việc bù giá, việc cung ứng ngoại tệ để bảo đảm không để đứt nguồn.
Tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu và sử dụng hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu; xây dụng lộ trình bắt buộc dán nhãn tiết kiệm năng lượng đối với nhóm sản phẩm gia dụng; ban hành các quy định về hóa chất, chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến trong bảo quản thực phẩm; bổ sung danh mục hàng hóa phải kiểm tra trước khi thông quan.
Về đầu tư xây dựng: Tiếp tục rà soát, kiên quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư, ngừng đầu tư các công trình, dự án chưa cần thiết để tập trung nguồn lực cho các công trình, dự án cần hòan thành trong năm 2008 và 2009 sớm phát huy hiệu quả, dự án giữ vai trò quan trọng.
Để hạn chế tình trạng thiếu điện và hoàn thành mục tiêu tăng thêm công suất của năm 2008 là 1400MW, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện, trước mắt cần tập trung vào những dự án có khả năng hoàn thành trong năm như tổ máy số 3 dự án Thủy điện Tuyên Quang (công suất 114MW), Thuỷ điện sông Ba Hạ (220 MW), Thuỷ điện Pleikrông (100MW), Thuỷ điện Buôn Kướp 90MW, Nhiệt Điện Hải Phòng 300MW, tổ máy số 1 Thuỷ điện A Vương (105MW). Tập trung nỗ lực rút ngắn tiến độ đã bị chậm của các công trình khởi công năm 2008 như Nhiệt điện Nghị Sơn I, thủy điện Thượng Kon Tum, nhiệt điện Mông Dương I, nhiệt điện Vĩnh Tân II và Duyên Hải I; tiếp tục đẩy mạnh tiến độ các dự án thủy điện Sơn La, nhiệt điện Sơn Động và thủy điện Sê San 4, Ô Môn I.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phối hợp với tổng thầu Technip và các nhà thầu khác để hoàn thành các phần việc còn lại của công trình nhà máy lọc dầu Dung Quất để đưa nhà máy vào hoạt động trong Quí I/2009.
Tập đoàn Dệt May Việt Nam tiếp tục tìm giải pháp thực hiện chương trình dự án 1 tỷ mét vải, các dự án trồng bông, dự án di dời các nhà máy dệt Hà Nội, Nam Định...
Tổng Công ty Thép Việt Nam chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dự án mở rộng Công ty Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 đã bị chậm.
Tổng Công ty CP Habeco và Sabeco chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dự án bia Hà Nội tại Vĩnh Phúc, các dự án bia tại các địa phương như khởi công xây dây chuyền II Nhà máy Bia Sài Gòn- Đắk Lắk với công suất 40 triệu lít bia/năm; Nhà máy bia Sài Gòn - Vĩnh Long, công suất 100 triệu lít/năm.(Nguồn Tin: Thương vụ VN tại Wahington DC tổng hợp)
Các tin cũ hơn- Đoàn doanh nghiệp Việt Nam xúc tiến thương mại tại thị trường Hoa Kỳ
- PHIÊN TƯ VẤN XUẤT KHẨU SẢN PHẨM SẦU RIÊNG VIỆT NAM
- Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin muốn tìm kiếm đối tác tại Hoa Kỳ
- Hội thảo Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao và đổi mới công nghệ
- Tuần lễ giao thương ngành Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Việt Nam 2022
- DIỄN ĐÀN KẾT NỐI DOANH NHÂN KIỀU BÀO, THÚC ĐẨY THƯƠNG MẠI VÀ ĐẦU TƯ NGÀNH NÔNG NGHIỆP