• Tiểu bang Hawaii - “Aloha - Xin chào!”

    6/13/2008 11:27:00 AM

    Hawaii là một chuỗi các đảo và vỉa đá ngầm với chiều dài 3.300 km ở giữa Thái Bình Dương. Ngày 21 tháng 8 năm 1959, Hawaii chính thức trở thành tiểu bang thứ 50 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

    Hawaii nằm gần chính giữa Thái Bình Dương - Honolulu - thủ phủ của bang cách San Francisco thuộc California về phía tây 3.850 km, cách Tokyo (Nhật Bản) về phía đông 6.500 km và cách bờ biển Australia về phía đông bắc khoảng 7.300 km. Chuỗi đảo Hawaii chỉ là một phần lộ thiên của một loạt những núi lửa lớn. Đáy biển ở khu vực này sâu khoảng 4.000 đến 5.000 mét. Vị trí nằm giữa đại dương của Hawaii ảnh hưởng rất lớn đến khí hậu trong vùng. Nhiệt độ cao nhất của Honolulu là 310C và thấp nhất chỉ là 130C. Cùng với địa hình tự nhiên phong phú, đa dạng, đây là điều kiện lý tưởng để Hawaii phát triển mạnh ngành du lịch.

    Dân số Hawaii tính đến ngày 1/7/2006 là 1.285.000 người (đứng thứ 42) và mật độ trung bình là 42,75 người/km2 (thứ 13 toàn nước Mỹ). Trong đó, tỷ lệ dân có gốc châu Á chiếm tới 41,5% (2005), cộng đồng người Nhật chiếm vị trí quan trọng trong đời sống xã hội và kinh tế. Số người trong độ tuổi lao động là: 618.000 người (năm 2003). Cho tới những năm cuối thế kỷ 20, sản xuất đường mía và dứa là những ngành sản xuất chính trong nền kinh tế. Hawaii là một trong những nơi xuất khẩu đường lớn trên thế giới và đứng đầu thế giới về sản xuất dứa (sản lượng hàng năm khoảng 650.000 tấn). Tuy vậy, lao động trong ngành nông nghiệp đã bắt đầu suy giảm: thống kê gần đây cho thấy, chỉ có 1/30 người dân Hawaii tiếp tục làm nghề nông. Lao động trên đảo đã chuyển dịch mạnh sang lĩnh vực dịch vụ du lịch. Ngành kinh tế mới này đã đóng góp tới 30% tổng thu nhập hàng năm của tiểu bang. Thống kê của Cục điều tra dân số Hoa Kỳ năm 2002 cho thấy có tới gần một nửa (45,3%) các doanh nghiệp ở Hawaii do cư dân châu Á nắm giữ và chủ yếu hoạt động tronh lĩnh vực dịch vụ du lịch và bán lẻ.

    GSP của Hawaii năm 2005 đạt 54 tỉ USD (của Hoa Kỳ là 12.400 tỉ USD), tốc độ tăng trưởng kinh tế là 4,8%; được xếp thứ 10 trong tổng số 50 bang của Hoa Kỳ về tốc độ phát triển. GSP tính theo đầu người (GSP per Capita) năm 2006 là 36.299 USD (trung bình của Hoa Kỳ đạt 36. 276 USD).

    Hoạt động thương mại

    Năm 2006, tổng kim ngạch xuất khẩu của Hawaii đạt gần 706 triệu USD (tăng 37% so với năm 2002). Hawaii hiện xuất khẩu hàng hoá đến 98 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Singapore đạt 232 triệu USD, tiếp theo là Nhật Bản đạt 193 triệu USD, Trung Quốc đạt 33 triệu USD. Một số thị trường khác như: Guatemala, El Sanvador, Hàn Quốc, Anh, Thái lan cũng là những thị trường tiềm năng của Hawaii.

    Mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tiểu bang là: phương tiện vận chuyển (chủ yếu là tầu thuỷ) chiếm 41% tổng kim ngạch; kế đến là dầu khí và than đá; bia và thuốc lá cũng là mặt hàng xuất khẩu quan trọng, mỗi năm mang về khoảng 38 triệu USD.

    Công nghiệp năng lượng và ngành sản xuất hàng hoá (thực phẩm và tiêu dùng) ở Hawaii hầu như không có và phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu. Năm 2006, nhập khẩu đạt 4,17 tỉ USD.

    Việt Nam là nước xuất khẩu lớn nhất vào Hawaii với kim ngạch năm 2006 đạt hơn 750 triệu USD (tăng 143,4% so với năm 2005), kế đến là Trung Quốc, Nhật Bản, Ả rập Saudi và Indonesia. Cơ cấu hàng xuất chủ yếu là sản phẩm dầu mỏ (không tính khí) đạt 738 triệu USD; hàng công nghệ: 1,7 triệu USD; may mặc, giày dép và đồ gia dụng: 1,2 triệu USD…

    Với Hawaii du lịch chứ không phải thương mại hàng hoá mới là thế mạnh của tiểu bang này. Mỗi năm Hawaii thu hút khoảng 4 đến 5 triệu du khách tới thăm hòn đảo này. Đặc biệt, năm 2005 có tới hơn 7,5 triệu lượt khách du lịch, mang về cho ngân sách của tiểu bang tới 11,9 tỉ USD.

    Nằm ở vị trí đắc địa, được thiên nhiên ưu đãi, trước đây tiểu bang Hawaii đã từng là cái nôi của ngành sản xuất mía đường, hoa quả nhiệt đới, tuy nhiên đến nay hai ngành này đã phải nhường chỗ cho ngành du lịch. Hawaii ngày nay là điểm đến của du khách toàn thế giới. Riêng thành phố Honolulu đã có quan hệ kết nghĩa với 26 thành phố khác trên thế giới, trong đó có thành phố Huế của Việt Nam.

    Ngoài hợp tác về du lịch (thế mạnh của bang), các hoạt động khác cũng rất được chính quyền tiểu bang quan tâm phát triển như hợp tác về giáo dục đào tạo, hợp tác về trao đổi kinh nghiệm sản xuất các mặt hàng thế mạnh: tầu biển, công nghiệp chế biến…

    Triển vọng hợp tác với Hawaii

    Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam có khả năng đạt gần 1 tỉ USD do tăng giá dầu lửa chung trên thế giới và tăng kim ngạch nhóm hàng dệt may và thủ công mỹ nghệ. 
    Hawaii có nền công nghiệp đóng tàu rất phát triển, có bề dầy kinh nghiệm và công nghệ. Hệ thống cảng biển của Hawaii được tổ chức và quản lý rất tốt (đặc biệt vấn đề bảo vệ môi trường để phát triển du lịch bền vững). Đây là những tiền đề quan trọng cho sự hợp tác cùng có lợi giữa Việt Nam và Hawaii.

    Theo điều tra dân số Mỹ năm 2000 (US Census 2.000), có khoảng gần 6.000 người Việt Nam định cư tại Honululu (chiếm 1,2% dân số), làm việc trong các ngành: giáo dục, tham gia chính quyền địa phương, kỹ sư, kinh doanh. Đây là đầu mối quan trọng trong việc xúc tiến các hoạt động thương mại và hợp tác, trao đổi về văn hoá...

    Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Franciso (Vietnam Trade Office) đang phối hợp cùng với Phòng Thương mại thành phố Honolulu và Phòng Thương mại Việt Mỹ (American Vietnamese Chamber of Commerce) tại Hawaii tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại tại đây nhằm mở rộng cơ hội hợp tác giữa hai bên.

    (Nguồn Tin: Chi nhánh Thương vụ VN tại San Francisco)

  • Bộ Công Thương
  • Cục Xúc Tiến Thương Mại
  • Phòng thương mại Việt Nam
  • Vietnam Value