• Trị giá hải quan

    12/4/2008 6:07:00 PM

    Theo quy định của luật pháp Hoa kỳ, trị giá hải quan (tức là trị giá chịu thuế nhập khẩu) của Hoa Kỳ cơ bản được dựa trên trị giá giao dịch mà người mua đã thực trả hoặc sẽ phải trả cho người bán.

    Những chi phí sau đây không coi là trị giá giao dịch để áp thuế nhập khẩu nếu được tách bạch trên hóa đơn bán hàng:

    • Cước phí vận tải quốc tế và phí bảo hiểm;
    • Cước phí vận tải nội địa từ nhà máy đến cảng ở nước xuất khẩu nếu giao hàng được thực hiên bằng một vận đơn suốt;
    • Chi phí hợp lý cho xây lắp, lắp ráp, duy tu và trợ giúp kỹ thuật đối với hàng hóa sau khi đã nhập vào Hoa Kỳ hoặc chi phí vận tải hàng hóa sau nhập khẩu;
    • Các loại thuế nhập khẩu và thuế liên bang khác.

    Ngược lại, những chi phí sau đây (nếu có và chưa nằm trong giá mà người mua đã trả hoặc sẽ phải trả cho người bán) sẽ được cộng vào trị giá giao dịch để tính thuế nhập khẩu:

    • Các chi phí đóng gói hàng hóa mà người mua phải chịu;
    • Hoa hồng bán hàng mà người mua phải chịu (hoa hồng người mua trả cho đại lý của người bán hoặc của nhà sản xuất);
    • Phí bản quyền hoặc lixăng mà người mua phải trả như là một điều kiện của hợp đồng;
    • Các khoản tiền phải trả cho người bán xuất phát từ việc bán lại hoặc sử dụng hàng hóa nhập khẩu;
    • Trị giá hỗ trợ của người nhập khẩu dành cho nhà xuất khẩu - Trong thực tế có nhiều trường hợp người nhập khẩu cung cấp dụng cụ, khuôn mẫu, nguyên liệu hoặc linh kiện hoặc các mặt hàng khác với giá hạ hoặc miễn phí cho nguời xuất khẩu để sử dụng sản xuất ra hàng hóa. Các thông số kỹ thuật và các bản vẽ thiết kế không phải được làm ở Hoa Kỳ được người nhập khẩu cung cấp cho người xuất khẩu cũng coi là những trợ giúp và trị giá của nó được công vào thành trị giá hải quan.

    Như vậy, trị giá tính thuế nhập khẩu có thể khác với giá mà người mua và người bán đã thoả thuận.

    Trong trường hợp Hải quan xác định trị giá giao dịch thể hiện trên chứng từ mua bán không phải là giá đầy đủ hoặc có yếu tố giá nào đó không xác định được thì Hải quan sẽ sử dụng các phương pháp định giá khác để tính trị giá tính thuế nhập khẩu. Các phương pháp này xếp theo thứ tự ưu tiên sử dụng gồm: trị giá giao dịch của hàng hóa cùng loại hoặc tương tự, trị giá khấu trừ và trị giá tính toán.

    Một số lưu ý đối với các nhà xuất khẩu Việt Nam

    Hầu hết các hợp đồng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ hiện nay là theo điều kiện FOB hoặc CF hoặc CIF, do đó trách nhiệm nộp thuế nhập khẩu thuộc về các doanh nghiệp nhập khẩu Hoa Kỳ. Tuy nhiên, do cách xác định trị giá hải quan để áp thuế nhập khẩu như nêu trên, nên người xuất khẩu cần cẩn thận trong khâu lập chứng từ giao hàng, nhất là hóa đơn thương mại để tránh phiền toái hoặc phát sinh phí tổn không đáng có cho người nhập khẩu và đôi khi cho cả bản thân người xuất khẩu. Mặc dù, đơn giá và tổng trị giá trên hóa đơn có thể vẫn ghi theo giá C&F hoặc CIF để phù với hợp đồng mua bán ngoại thương, song số tiền cước phí vận tải quốc tế và phí bảo hiểm vẫn phải được thể hiện trên hóa đơn. Ngoài ra, các thông tin khác như chi phí vận tải nội địa, đóng gói, xây lắp, phí tài chính, phí bản quyền hoặc lixăng, trị giá trợ giúp v.v cũng có thể phải được ghi rõ trên hóa đơn. (Xin xem thêm ở phần Hóa đơn thương mại)

    Vì vậy, trước khi giao hàng và lập hóa đơn thương mại hoặc thậm chí ngay từ khi thảo luận hợp đồng, người xuất khẩu phải kiểm tra với người nhập khẩu hoặc luật sư hoặc đại lý giao nhận hàng hóa (tốt nhất là với người nhập khẩu) về những thông tin cần phải ghi trong hóa đơn thương mại. Người xuất khẩu có thể đề nghị người nhập khẩu cung cấp mẫu hóa đơn thương mại để tham khảo. Cẩn thận hơn nữa, người xuất khẩu nên gửi bản thảo hóa đơn thương mại cho người nhập khẩu để kiểm tra thông qua trước khi lập hóa đơn chính thức.

    (Nguồn Tin: Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ)

  • Bộ Công Thương
  • Cục Xúc Tiến Thương Mại
  • Phòng thương mại Việt Nam
  • Vietnam Value